Người Palestine đã trải qua cảm giác lo âu và giận dữ kể từ khi Tổng thống Donald Trump thông báo Mỹ chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và bắt đầu tiến trình chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv đến đây.
Phân biệt đối xử
Việc công nhận Jerusalem là thủ đô Israel còn là một đòn mạnh giáng vào tinh thần người Palestine. Điều đó một lần nữa cho thấy cách thức các thế lực quốc tế hành động mà không thừa nhận - hoặc công nhận - người Palestine, bất chấp họ là những người chịu đựng gánh nặng của sự chia rẽ.
Liên quan tới tuyên bố của Tổng thống Mỹ, điều đáng bàn không phải là sự công nhận Jerusalem mà ở một loạt sự kiện dẫn đến sự xuất hiện của nó. Đó là việc quốc tế dường như không chú tâm đến các vi phạm của phía Israel, sự ủng hộ không ngừng của Mỹ dành cho Tel Aviv cũng như sự thiếu thẩm quyền của giới lãnh đạo Palestine để đạt được giải pháp thông qua các nỗ lực ngoại giao.
Năm 2017 đánh dấu 100 năm kể từ khi ông Arthur James Balfour, Ngoại trưởng Anh, trao cho phong trào phục quốc Do Thái quyền đối với miền đất Palestine. Vì thế, quyết định mới đây của Tổng thống Mỹ về Jerusalem đã lặp lại thứ tình cảm giống như vậy, khi các thế lực quốc tế phớt lờ người Palestine bản địa và quyền tự quyết của họ.
Kênh Al Jazeera nhận định: Tuyên bố năm 1917 đã dọn đường cho dân quân phục quốc Do Thái san bằng làng mạc và chiếm đất của người Palestine. Trong khi đó, tuyên bố vừa qua của Tổng thống Donal Trump đã hợp pháp hóa lịch sử bạo lực này bằng cách dành cho Israel sự ủng hộ liên tục.
Ông Donal Trump có cơ sở khi nói rằng "Jerusalem là trụ sở của chính phủ Israel hiện đại". Jerusalem là nơi tọa lạc quốc hội Israel (Knesset), tòa án tối cao, dinh thủ tướng và tổng thống cũng như trụ sở của nhiều bộ trong chính phủ Israel. Jerusalem thực tế được xem như thủ đô của Israel trong suốt nhiều thập kỷ, mặc dù không chính thức.
Chính phủ Israel đã và đang đòi bằng được quyền kiểm soát tuyệt đối và hoàn toàn đối với dân số Palestine ở Jerusalem, đúng như những gì họ đã làm ở các thành phố và thị trấn Palestine khác. Người Palestine sống ở Jerusalem chỉ sở hữu tấm thẻ cư trú - thứ giấy tùy thân có thể bị thu hồi bất cứ lúc nào. Israel liên tục phá hủy nhà cửa ở các khu vực lân cận của người Palestine với cớ thiếu giấy phép sở hữu. Còn giới trẻ Palestine bị các lực lượng Israel phân biệt đối xử.
Đó là các chính sách của Israel, giống như những chính sách mà người Palestine vẫn chống đối suốt nhiều năm vì đã buộc họ phải câm lặng. Vì thế, Jerusalem đã có thể được nêu lên là của Israel về thực tế.
Phớt lờ đòi hỏi công lý
Đáng nói là điều này sẽ không thể xảy ra nếu không có sự thỏa hiệp từ phía lãnh đạo Palestine. Đời sống của người Palestine đã bị ảnh hưởng do tình trạng ganh đua phe phái, cộng tác với tình báo Israel không có lợi cho người dân và một loạt nhượng bộ dưới hình thức các thỏa thuận, hiệp ước mà không bao giờ bao gồm những nguyên tắc cơ bản về các đòi hỏi của người Palestine.
Trong lúc người Palestine nhắc đi nhắc lại các đòi hỏi quyền tự quyết và quyền cơ bản của họ suốt nhiều thập kỷ, cộng đồng quốc tế và giới lãnh đạo Palestine đã chủ tâm phớt lờ chúng để theo đuổi chương trình nghị sự khác xoay quanh các cuộc thương thuyết. Điều này chỉ tạo ra thêm sự trấn áp và gia tăng mạnh số lượng khu định cư ở Jerusalem.
Ngày nay, chúng ta chứng kiến cả cộng đồng quốc tế lẫn các nhà lãnh đạo Ả Rập phớt lờ tiếng kêu đòi công lý của người Palestine. Điều này liên quan đến nỗi e sợ xảy ra một cuộc nổi dậy khác, tình trạng bất ổn định và sự chống đối.
Vì vậy, mặc dù các nhà lãnh đạo toàn cầu khẳng định rằng động thái công nhận Jerusalem là thủ đô Israel sẽ chấm dứt cuộc hòa đàm Israel - Palestine, giải pháp 2 nhà nước và bất kỳ sự ổn định nào trong khu vực, sự thực là chẳng hề có hòa bình hoặc ổn định ở các vùng lãnh thổ của người Palestine kể từ khi Israel bắt đầu sự chiếm đóng.
Người Palestine ghi nhớ tình huống này cũng như thực tế là chẳng có hành động nào của ai đó xảy ra tiếp theo. Sự thật là Mỹ có một chương trình nghị sự được điều chỉnh cho phù hợp với lợi ích của Israel, còn các nước Ả Rập đã ve vãn chính quyền của Tổng thống Donal Trump, hạn chế mọi hành động.
Mùa hè vừa qua, dư luận đã chứng kiến người Palestine phản đối các biện pháp Israel áp đặt đối với đền thờ Hồi giáo al-Aqsa ở Thành Cổ thuộc Đông Jerusalem. Khi đó, các quốc gia Ả Rập và cộng đồng quốc tế cũng đã lên án, phản đối. Tuy nhiên, phương thức đặc thù và mang tính biểu tượng này sẽ chỉ tiếp tục khuyến khích Israel tăng cường sự chiếm đóng và chiếm đất của người Palestine mà thôi.
Giấc mơ tan vỡ
Ông Saeb Erekat, trưởng đoàn đàm phán hòa bình của Palestine, đã theo đuổi giấc mơ 2 nhà nước và niềm hy vọng về một nhà nước Palestine độc lập suốt hơn 20 năm qua dưới 4 đời tổng thống Mỹ. Ông đã tranh cãi về điều đó trong các cuộc đàm phán bí mật cũng như công khai với các nhà thương thuyết Israel cứng rắn, đồng thời bảo vệ nó trước những người Palestine đầy ngờ vực trên các đường phố Jericho.
Đứng trước ống kính máy quay ngay sau khi Tổng thống Donal Trump thông báo công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, ông Erekat chua xót thừa nhận rằng giấc mơ của ông suốt 2 thập kỷ qua cuối cùng đã tan thành mây khói. Theo báo Telegraph, quyết định của Mỹ về Jerusalem đã gây choáng đối với ông Erekat và các thành viên trong giới lãnh đạo Palestine, khiến họ quay cuồng và hoang mang, không biết sẽ dẫn dắt nhân dân mình đi về đâu.
Kỳ tới: Thế giới Ả Rập bế tắc
Bình luận (0)