Dư luận cả thế giới mấy ngày qua không ngừng rúng động sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, đồng thời ra lệnh chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv sang thánh địa này.
Đảo ngược chính sách
Động thái làm đảo ngược chính sách nước Mỹ hàng thập kỷ nêu trên đã khiến cả các đồng minh cũng như kẻ thù của Washington đồng loạt lên án. Đài CNN cho biết các nhà lãnh đạo Palestine nhấn mạnh rằng động thái chuyển Đại sứ quán Mỹ đến Jerusalem là sự vi phạm luật pháp quốc tế và là bước thụt lùi đáng kể đối với niềm hy vọng hòa bình.
Người dân Palestine phản đối tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump về Jerusalem ở Thành Cổ hôm 7-12 Ảnh: REUTERS
Người đứng đầu chính quyền Palestine Mahmoud Abbas đã kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới, trong đó có Tổng thống Nga Vladimir Putin và Quốc vương Jordan Abdullah, giúp gây sức ép, buộc ông Donald Trump thay đổi ý định. Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) cho biết sẽ xem xét hủy bỏ việc công nhận nhà nước Israel và mọi thỏa thuận giữa Israel - Palestine.
Động thái trên của ông chủ Nhà Trắng được đánh giá là gây ra những hậu quả không thể dự đoán được. Ông Martin Chulov, chuyên gia về Trung Đông, cho rằng với quyết định đó, tổng thống Mỹ đã như "đóng chiếc đinh cuối cùng vào cỗ quan tài" chôn giải pháp 2 nhà nước cho cuộc xung đột Israel - Palestine, vốn là phương thức được các nước Ả Rập công nhận rộng rãi; đồng thời kết thúc luôn đường lối ngoại giao nhiều ý nghĩa của Mỹ đối với cả hai bên sau gần 70 năm.
Tuyên bố của tổng thống Mỹ khiến người ta có cảm giác bất thường bởi trong số các quốc gia có mối quan hệ ngoại giao chính thức với Israel, không nước nào đặt đại sứ quán ở Jerusalem. Trước đây, vài quốc gia có đại sứ quán ở đó chỉ là những nước nhỏ, ít có mối liên hệ với khu vực Trung Đông như Costa Rica hay El Salvador.
Năm 1995, quốc hội Mỹ đã thông qua đạo luật yêu cầu chuyển đại sứ quán từ Tel Aviv đến Jerusalem. Những người đề xướng nói rằng Mỹ cần phải tôn trọng sự chọn lựa Jerusalem là thủ đô của Israel và công nhận điều đó. Nhiều năm qua, các ứng cử viên tổng thống Mỹ thuộc 2 đảng đều hứa hẹn chuyển đại sứ quán ở Israel từ Tel Aviv đến Jerusalem. Thế nhưng, khi đắc cử, tất cả họ đều rút lại ý định này.
Mọi vị tổng thống Mỹ từ năm 1995 - Bill Clinton, George Bush và Barack Obama - đều phủ nhận động thái dời Đại sứ quán Mỹ với lý do lợi ích an ninh quốc gia. Cứ mỗi 6 tháng, tổng thống Mỹ lại ký văn bản khước từ để tránh né việc di dời này. Chỉ riêng ông Donald Trump đã thay đổi điều đó.
Mỹ chưa từng có đại sứ quán ở Jerusalem mà luôn luôn đặt ở Tel Aviv. Thực ra, năm 1989, Israel đã bắt đầu cho Mỹ thuê một mảnh đất ở Jerusalem để xây đại sứ quán mới, với giá 1 USD/năm trong vòng 99 năm. Đến nay, miếng đất này vẫn chưa được sử dụng và còn để trống.
Tâm điểm tranh chấp
Quyết định về Jerusalem lâu nay vẫn là một trong những vấn đề gai góc nhất giữa Israel và người Palestine. Jerusalem là thánh địa chung của 3 tôn giáo: Do Thái giáo, Thiên Chúa giáo và Hồi giáo. Thánh địa này lưu giữ nhiều di tích tôn giáo và là điểm hành hương hằng năm.
Đối với người Do Thái, chính nơi đây, Vua David của Israel đã xây dựng thủ đô của vương quốc thống nhất. Sau đó, con trai ông là Vua Solomon đã xây dựng ngôi đền thờ đầu tiên. Còn theo Tân Ước, chính tại Jerusalem, Chúa Jesus đã bị đóng đinh trên thập tự giá. Cuối cùng, trong truyền thống Hồi giáo dòng Sunni, Jerusalem là thành phố quan trọng thứ ba, sau Mecca và Medina.
Do đó, vị thế cuối cùng của Jerusalem luôn là một trong những vấn đề khó khăn và nhạy cảm nhất trong cuộc xung đột Israel - Palestine. Israel nắm quyền kiểm soát thành phố này và các cơ quan chính quyền đặt ở đó nhưng hành vi chiếm đóng Đông Jerusalem - nơi tọa lạc Thành Cổ - vẫn không được quốc tế công nhận. Nhìn chung, cộng đồng quốc tế cho rằng vị thế cuối cùng của Jerusalem cần được giải quyết thông qua thương thuyết.
Theo đài BBC, số phận Jerusalem luôn là một trong những vấn đề dễ gây tranh chấp nhất trong cuộc xung đột giữa Israel và thế giới Ả Rập, trong khi căng thẳng đang ngày càng gia tăng giữa Israel và Palestine. Suốt nhiều năm qua, chính sách của Mỹ vẫn là tránh tuyên bố Jerusalem là thủ đô của Israel trong bối cảnh không có thỏa thuận hòa bình Israel - Palestine.
Năm 1980, quốc hội Israel (Knesset) tuyên bố Jerusalem là "thủ đô mãi mãi và không thể chia cắt của Israel". Israel nhấn mạnh toàn bộ Jerusalem là thủ đô của mình, trong lúc người Palestine khẳng định Đông Jerusalem - đã bị Israel chiếm giữ trong cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1967 - là thủ đô của nhà nước độc lập tương lai của họ. Những tuyên bố trái ngược này nằm trong tâm điểm cuộc xung đột kéo dài hàng thập kỷ giữa Israel và Palestine.
Đài Deutsche Welle cho rằng qua việc công nhận Jerusalem là thủ đô Israel, Mỹ đã đi một bước dài đến gần hơn việc di chuyển đại sứ quán từ Tel Aviv - động thái được xem là hành vi củng cố chủ quyền của Israel đối với thánh địa. Khẳng định chủ quyền đối với Jerusalem dựa trên cơ sở về lịch sử và tôn giáo, Israel biện luận rằng thánh địa này là thủ đô của dân tộc Do Thái cách đây 3.000 năm và điều đó vẫn duy trì liên tục đến nay. Ngoài ra, Israel còn viện dẫn tình hình thực tế trên đất này.
Nhiều cựu đại sứ Mỹ phản đối
Báo Times of Israel đưa tin 9/11 cựu đại sứ Mỹ ở Israel đã phản đối tuyên bố của Tổng thống Donald Trump về Jerusalem. Họ cho rằng đây là sai lầm nghiêm trọng và có khả năng dẫn đến bạo lực nhiều hơn trong khu vực.
"Có nhiều điểm bất lợi cả về ngoại giao và về tiến trình hòa bình Trung Đông. Chúng ta lại bị cô lập về mặt quốc tế một lần nữa, trừ chính phủ Israel và đang tự tước đi vai trò của mình - như tổng thống nói, rằng ông muốn là một người trung gian hòa giải hòa bình" - ông Daniel Kurtzer, đại sứ Mỹ ở Israel từ năm 2001-2005, nhận xét. Theo ông Richard Jones, đại sứ Mỹ ở Israel từ năm 2005-2009, động thái này tiềm ẩn nhiều nguy cơ, đáng giá nhiều sinh mạng ở Israel và khu vực, đặc biệt khi các nhà xây dựng khu định cư lợi dụng nó để bào chữa cho hành động của mình.
Trong khi đó, một số cựu đại sứ ủng hộ việc công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, cho rằng điều đó cần diễn ra như một bộ phận của tiến trình hòa bình hoặc như một phương cách đạt được sự nhượng bộ từ phía Israel trong tiến trình này.
Kỳ tới: Israel - Palestine mờ mịt hòa bình
Bình luận (0)