Vùng Trung Tây nước Mỹ đang trở thành chiến trường chính trong những ngày vận động tranh cử cuối cùng của 2 ứng viên tổng thống Donald Trump và Joe Biden trước thềm ngày bầu cử chính thức 3-11 tới.
Hôm 31-10, Tổng thống Mỹ Donald Trump đến 3 bang Michigan, Wisconsin, Minnesota trong nỗ lực thu hút thêm lá phiếu của người ủng hộ sau khi có kết quả ấn tượng tại đó 4 năm trước (thắng ở Michigan, Wisconsin và thua sít sao ở Minnesota).
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh trở lại khắp nước, ông chủ Nhà Trắng tiếp tục nhấn mạnh rằng dịch bệnh này không nghiêm trọng, đồng thời đưa ra cáo buộc các bác sĩ đang phóng đại số ca tử vong vì Covid-19 để "kiếm được nhiều tiền hơn". Cũng như nhiều lần trước đó, ông Trump không trưng ra bằng chứng nào cho cáo buộc này.
Cử tri xếp hàng bỏ phiếu sớm tại TP Appleon, bang Wisconsin hôm 20-10 Ảnh: REUTERS
Đối mặt kết quả thăm dò bất lợi thời gian qua, ông chủ Nhà Trắng buộc phải đẩy mạnh hoạt động tranh cử tại các bang ông không thể thua. Điều này thể hiện rõ qua chuyến đi của ông Trump đến 2 bang Iowa, Pennsylvania trong ngày 1-11. Đến ngày 2-11, nhà lãnh đạo này sẽ quay lại các bang Michigan, Wisconsin, Pennsylvania.
Một số chuyên gia nhận định ông Trump đang tìm cách lặp lại chiến lược từng giúp ông chiến thắng tại 3 bang chiến trường này trong cuộc bầu cử 4 năm trước đó.
Theo báo The New York Times, các cố vấn của ông Trump dù tin vào triển vọng trên nhưng cũng chỉ ra một số yếu tố khiến cuộc đua sắp tới thêm thách thức. Thống đốc của các bang Michigan, Pennsylvania, Wisconsin hiện là những người thuộc Đảng Dân chủ và bị xem là "chống ông Trump". Ngoài ra, họ không rõ việc cử tri bỏ phiếu sớm tăng cao kỷ lục tác động ra sao đến kết quả bầu cử. Đáng lo hơn cả, đại dịch Covid-19 tiếp tục là nỗi lo hàng đầu của cử tri.
Trong khi đó, điểm đến của ông Biden tại miền Trung Tây hôm 31-10 là 3 bang Iowa, Minnesota và Wisconsin. Tại các sự kiện tranh cử ở đó, ông Biden tiếp tục công kích cách thức đối phó Covid-19 của chính quyền ông Trump, đồng thời phản ứng lại chỉ trích mới nhất của nhà lãnh đạo Mỹ nhằm vào giới bác sĩ. "Các bác sĩ và y tá nỗ lực làm công việc của họ mỗi ngày để cứu sống bệnh nhân… Ông Donald Trump nên ngừng công kích họ và làm công việc của mình" - ông Biden nhấn mạnh.
Đáng chú ý, chuyến đi trên gồm chặng dừng chân đầu tiên của ông Biden ở bang Iowa trong hơn 8 tháng qua. Đây là nơi ông Trump dễ dàng đánh bại bà Hillary Clinton trong cuộc bầu cử năm 2016 nhưng các cuộc thăm dò mới dự báo một cuộc đua sít sao hơn sắp tới.
Ngoài ra, theo AP, ứng viên tổng thống Đảng Dân chủ đang đẩy mạnh nỗ lực thu hút cử tri da màu trong những ngày tranh cử cuối cùng khi cùng cựu tổng thống Barack Obama vận động ở hai thành phố Flint và Detroit thuộc bang Michigan ngày 1-11. Hai thành phố có đa số dân là người da màu này đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực của Đảng Dân chủ nhằm giành lại bang Michigan sau khi để mất nó vào tay ông Trump năm 2016. Theo thống kê, tỉ lệ cử tri bỏ phiếu ở 2 thành phố này giảm 15% trong cuộc bầu cử 4 năm trước (tương đương ít nhất 48.000 phiếu) trong khi ông Trump thắng tại bang Michigan với số phiếu nhiều hơn là khoảng 10.700.
Ông Biden sẽ khép lại chiến dịch tranh cử trong ngày 2-11 tại bang Pennsylvania, nơi ông chào đời và là nơi ông đến vận động nhiều nhất. Chuyến đi này sẽ có sự tham gia của vợ chồng ông Biden và vợ chồng bà Kamala Harris - ứng viên phó tổng thống.
Kỷ lục buồn về Covid-19
Mỹ ghi nhận thêm 100.233 ca mắc Covid-19 hôm 30-10, lập kỷ lục thế giới khi vượt qua con số 97.894 ca nhiễm/ngày mà Ấn Độ công bố hồi tháng 9, theo thống kê của Reuters. Dịch bệnh này cho đến giờ đã khiến hơn 9 triệu người mắc và 230.000 người tử vong ở Mỹ.
Với việc Covid-19 hiện lây lan mạnh nhất ở vùng Trung Tây và miền Nam nước Mỹ, các bệnh viện bắt đầu tiếp nhận nhiều bệnh nhân hơn trong bối cảnh sắp bước vào mùa cúm. "Chúng ta chưa sẵn sàng cho làn sóng này" - bác sĩ Ashish Jha, Hiệu trưởng Trường Y tế cộng đồng thuộc Trường ĐH Brown (Mỹ), cảnh báo khi trả lời phỏng vấn đài ABC hôm 29-10.
Tình hình dịch Covid-19 diễn biến thêm xấu chắc chắn là tin không vui đối với Tổng thống Donald Trump, người đối mặt nhiều chỉ trích vì cách thức ứng phó kém với cuộc khủng hoảng này. Trước thềm cuộc bầu cử, nhà lãnh đạo này tìm cách giảm nhẹ mối đe dọa của dịch bệnh và tiến hành các cuộc vận động tranh cử mà không thực hiện biện pháp giãn cách xã hội hoặc đeo khẩu trang.
Dù vậy, sự lây lan của virus SARS-CoV-2 khiến cử tri Mỹ bỏ phiếu sớm nhiều kỷ lục do lo ngại các điểm bỏ phiếu đông đúc trong ngày bầu cử chính thức. Theo số liệu của Dự án bầu cử Mỹ thuộc Trường ĐH Florida, số người bỏ phiếu sớm đã tăng lên hơn 87 triệu tính đến ngày 31-10.
Phạm Nghĩa
Bình luận (0)