Các đơn vị cảnh sát đặc biệt cũng đã sẵn sàng ứng phó với những kẻ gây bạo loạn và lợi dụng tình hình bất ổn để cướp bóc. Trong khi đó, nhiều chính phủ nước ngoài cũng đã cảnh báo người dân không nên đến Mỹ lúc này vì dễ xảy ra bất ổn dân sự, bất kể ai giành chiến thắng.
Tại các thành phố trên khắp nước Mỹ vào ngày 2-11, các doanh nghiệp bán lẻ, văn phòng và phòng triển lãm tranh đã gia cố cửa kính bằng gỗ để bảo vệ tài sản của họ trước đêm bầu cử 3-11 (giờ địa phương).
Doanh nghiệp trên khắp nước Mỹ đang gia cố cửa hàng trước ngày bầu cử vì lo ngại tình hình bất ổn
Trong khi nhiều văn phòng vẫn còn đóng cửa vì đại dịch Covid-19, một số ít bác sĩ và nha sĩ chia sẻ với bệnh nhân rằng họ sẽ đóng cửa phòng khám vào ngày 4-11.
Công nhân gia cố các cửa hàng tại TP Los Angeles. Ảnh: Reuters
Các nhà hàng và quán bar tại TP New York – vốn đang chật vật để phục hồi sau khi bị bắt đóng cửa trong nhiều tháng, đang "nín thở" theo dõi tình hình. Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này, nhiều nhà hàng và quán bar sẽ kéo hết bàn ghế vào bên trong nhưng vẫn mở cửa với hy vọng có thể phục vụ được một lượng khách nhất định.
Một vài doanh nghiệp bán lẻ "sợ" rủi ro cướp bóc nhưng "sợ hơn" rủi ro tái phong tỏa vì thế, họ quyết định vẫn mở cửa trong ngày bầu cử, giới quan sát khẳng định.
Ảnh chụp tại TP New York hôm 2-11, một ngày trước ngày bầu cử. Ảnh: Daily Mail
Ngay cả Nhà Trắng cũng đang tăng cường thực hiện các biện pháp đề phòng. Một hàng rào lớn đã được dựng lên vào ngày 2-11 và đây là "nỗ lực phút chót" nhằm ngăn chặn đám đông quá khích.
Trong khi đó, chính phủ Canada và Úc đang kêu gọi người dân tránh một số khu vực của Mỹ, đặc biệt là những nơi có rủi ro biểu tình bạo lực cao.
Mặc dù Thị trưởng Bill de Blasio tuyên bố hôm 2-11 rằng New York không đối mặt với bất cứ mối đe dọa nào, Lực lượng Phản ứng Chiến lược – đơn vị tinh nhuệ thuộc Sở Cảnh sát New York, vẫn chuẩn bị để ứng phó "kịch bản tồi tệ nhất".
Nhà Trắng dựng rào chắn ngăn chặn đám đông quá khích. Ảnh: Daily Mail
Về phần mình, Tổng thống Donald Trump và ứng viên tổng thống Đảng Dân chủ Joe Biden vẫn đang vận động sôi nổi tại các bang chiến địa trong ngày cuối cùng của chiến dịch tranh cử.
Ông chủ Nhà Trắng đang vận động tại Bắc Carolina, Michigan, Pennsylvania và Wisconsin, với một số địa điểm đặc biệt, trong đó có Scranton – quê nhà của đối thủ Biden và Kenosha, nơi xảy ra bạo loạn và một vụ nổ súng chết chóc hồi tháng 8.
Trong khi đó, ông Biden chỉ tổ chức các sự kiện vận động tranh cử tại 2 bang Pennsylvania và Ohio. Đây cũng là một lựa chọn thú vị, bởi Ohio là một trong những bang chiến địa mạnh mẽ nhất của Tổng thống Trump, theo các cuộc thăm dò. Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đang kêu gọi cử tri ủng hộ ông Biden tại các bang Florida và Georgia.
Lượng cử tri bỏ phiếu sớm hiện đã vượt mốc 100 triệu người, hơn 70% so với tổng số người bỏ phiếu trong cuộc bầu cử 2016. Theo chuyên gia Michael McDonald của Tổ chức US Elections Project thuộc Trường ĐH Florida (Mỹ), tổng số cử tri bỏ phiếu năm nay có thể chạm ngưỡng 160,2 triệu người – cao hơn nhiều so với 138 triệu người của năm 2016.
Tổng thống Donald Trump và đối thủ Joe Biden đang chạy nước rút. Ảnh: Reuters
Thăm dò ý kiến
Ai sẽ đắc cử tổng thống Mỹ 2020?
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Bình luận (0)