Theo luật bầu cử Thái Lan, mỗi ứng cử viên không được chi tiêu quá 1,5 triệu baht (1,2 tỉ đồng) cho vận động tranh cử. Nhưng một bộ trưởng nội các của Đảng Dân chủ cầm quyền cho rằng quy định mức chi tiêu như thế là “hoàn toàn không thực tế”.
Theo vị bộ trưởng giấu tên này, các chuyên gia kinh tế ước tính mức thực chi cho vận động bầu cử phải cao gấp 10 lần con số trên, bao gồm các khoản chi quảng cáo, tổ chức hội họp gặp gỡ cử tri, thuê chuyên gia và nhân viên trong ban vận động tranh cử. Còn khoản chi bí mật “mua phiếu bầu” thì không thể tính được!
Một quầy hàng rong trước áp phích tranh cử của hai ứng viên Abhisit (phải) và Yingluck. Ảnh: AP
Theo báo Bangkok Post, Trung tâm Nghiên cứu Kasikorn của Ngân hàng Kasikorn ở Bangkok ước tính chi phí cho cuộc bầu cử Quốc hội Thái Lan lần này sẽ là khoảng 39 tỉ baht (26.520 tỉ đồng), tăng gần gấp đôi cuộc bầu cử năm 2007.
Chi phí bầu cử tăng đã trở thành một quy luật. Năm 1996, mức chi phí này tăng 75 lần trong 10 năm, cao hơn cả chi phí vận động bầu cử ở Mỹ.
Tham gia tranh cử 500 ghế nghị sĩ Thái Lan năm nay có 4.000 ứng cử viên của 42 chính đảng lớn nhỏ, nhưng chủ yếu là cuộc cạnh tranh giữa hai đảng “nặng ký” nhất là Đảng Dân chủ cầm quyền của Thủ tướng Abhisit Vejjajiva và Đảng Puea Thai đối lập của bà Yingluck Shinawatra, em gái cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra, đang sống lưu vong ở nước ngoài.
Theo các cuộc thăm dò dư luận, hai đối thủ Abhisit và Yingluck sẽ bám đuổi nhau sát nút và chiến thắng nghiêng về em gái ông Thaksin.
Theo một báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Kasikorn, cuộc bầu cử lần này là dịp kinh doanh kiếm lời lớn của ngành kinh doanh quảng cáo, phát thanh, truyền hình, xuất bản, giao thông vận tải, văn nghệ giải trí. Riêng ngành truyền hình của nhà nước có thể “bỏ túi” 100 triệu baht (68 tỉ đồng).
Có một câu hỏi mà Ủy ban Bầu cử Thái Lan chưa thể trả lời, đó là “tiền chi phí tranh cử của các ứng cử viên lấy từ đâu, tự bỏ tiền túi hay có nguồn tài trợ chính đáng?”.
Bình luận (0)