Tiến sĩ Fany Brotcorne, một nhà nghiên cứu động vật linh trưởng tại Trường ĐH Liège (Bỉ), vừa công bố một nghiên cứu kéo dài 4 tháng về hành vi của loài khỉ đuôi dài trên tạp chí Primates.
Bà phát hiện bầy khỉ sống xung quanh đền Uluwatu, đảo Bali - Indonesia thường xuyên đánh cắp nón, mắt kính, máy quay và điện thoại của du khách để đổi lấy thức ăn.
Trong số 172 vụ trộm đồ mà bà Brotcorne quan sát được, có 110 vụ trộm mắt kính, 25 vụ trộm nón, 24 vụ trộm giày và 8 vụ trộm máy quay hoặc điện thoại.
Các tác giả của nghiên cứu cho biết đây là nơi duy nhất họ phát hiện hành vi trên của bầy khỉ, cho thấy hành động này được truyền từ đời này sang đời khác theo kiểu bắt chước. Hiện tượng này có thể đem lại cái nhìn sâu sắc hơn về sự tiến hóa của hình thức đổi chác trong xã hội loài người.
Phát hiện bầy khỉ "xã hội đen" ở đảo Bali chuyên ăn cắp đồ của du khách để đổi lấy thức ăn. Ảnh: BBC
Tiến sĩ Brotcorne kết luận một đường cong học tập có tồn tại trong loài khỉ. Ban đầu, chúng học cách ăn trộm rồi tìm ra cách dùng các món đồ trộm được đổi lấy thức ăn. Cũng theo nghiên cứu, khỉ đực thường ăn cắp nhiều hơn và có xu hướng bạo dạn hơn khỉ cái.
Bà Brotcorne cho biết ngay cả bà cũng trở thành nạn nhân của lũ khỉ vài lần. "Chúng luôn cố ăn cắp nón, bút hoặc dữ liệu nghiên cứu của tôi. Kĩ năng đổi chác và buôn bán không phổ biến ở động vật. Đó thường được xem là những kĩ năng độc quyền của con người" - bà Brotcorne nói.
Ông Serge Wich, một nhà nghiên cứu động vật linh trưởng tại Trường ĐH Liverpool John Moores (Anh), cho biết nghiên cứu cho thấy "một ví dụ mới và kỳ lạ về tính linh hoạt trong hành vi của loài linh trưởng trước sự thay đổi của môi trường".
Đoạn clip về bầy khỉ "xã hội đen" tại đảo Bali - Indonesia. Nguồn: YouTube
Bình luận (0)