Trung Quốc đang tìm cách tăng cường quan hệ với hải quân một số nước trong nỗ lực thúc đẩy sáng kiến thương mại quốc tế “Vành đai và Con đường” (tên cũ là “Một vành đai, một con đường”) nhằm xây dựng con đường tơ lụa hiện đại xuyên từ châu Á đến châu Âu.
Sông Mekong bị đe dọa
Một đội tàu của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) hôm 24-4 bắt đầu hành trình thăm hơn 20 quốc gia đang quan tâm đến dự án “con đường tơ lụa”.
Ông Li Jie, chuyên gia hải quân ở Bắc Kinh, cho biết mục đích chính của chuyến đi kéo dài vài tháng này là xây dựng quan hệ với hải quân những nước mà đội tàu ghé thăm ở Úc, châu Á, châu Phi, châu Âu.
“Hải quân Trung Quốc đang học cách sử dụng quyền lực mềm để xây dựng các kênh liên lạc với hải quân nước ngoài” - ông Zhou Chenming, nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng Knowfar (Trung Quốc), nhận định với tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng.
Sáng kiến “Vành đai và Con đường” hiện bao phủ hơn 60 quốc gia trên thế giới, trong đó đa số là những nước đang phát triển cần tiền và viện trợ của Trung Quốc.
Bắc Kinh hy vọng kim ngạch thương mại thường niên với những nước này sẽ tăng từ 1.000 tỉ USD năm 2015 lên 2.500 tỉ USD/năm trong vòng một thập kỷ tới. Dù vậy, mặt trái của sáng kiến khởi động từ năm 2013 này đang gây ra không ít lo ngại về mặt môi trường và kinh tế.
Tại Thái Lan, các nhà hoạt động lo ngại môi trường bị hủy hoại sau khi công ty con Second Harbour Consultants (SHC) của Tập đoàn Xây dựng truyền thông Trung Quốc (CCCC) cho biết đang khảo sát sông Mekong giữa lúc Trung Quốc, Lào, Myanmar và Thái Lan cân nhắc có đánh thuốc nổ để mở rộng dòng chảy hay không. Vấn đề là, theo Reuters, việc mở rộng sông Mekong để phục vụ tàu chở hàng cỡ lớn không phải là nội dung chính thức của sáng kiến “Vành đai và Con đường”.
Ông Niwat Roykaew, Chủ tịch Nhóm bảo tồn Rak Chiang Khong tại Thái Lan, cảnh báo việc đánh thuốc nổ ở sông Mekong (đoạn giữa Thái Lan và Lào) sẽ phá hủy các khu nuôi cá, ảnh hưởng tới các loài chim di cư và khiến dòng nước chảy xiết hơn, làm xói mòn đất canh tác ven sông. Theo ông Niwat Roykaew, sông Mekong sẽ “chết” và không thể phục hồi nếu điều này xảy ra.
Nỗi lo nợ “khủng”
Còn tại Nam Á, một số chuyên gia lại cảnh báo về tác động kinh tế tiêu cực đến từ dự án “con đường tơ lụa”, dự kiến được thông qua chính thức tại hội nghị quốc tế diễn ra ở Bắc Kinh trong ngày 14 và 15-5 tới.
Tờ The Economic Times (Ấn Độ) dẫn một ví dụ tiêu biểu là Sri Lanka, nước đang rơi vào “bẫy nợ” khổng lồ khi chào đón các dự án do Trung Quốc tài trợ. Sri Lanka đã vay hàng tỉ USD của Trung Quốc để xây dựng cơ sở hạ tầng trong nước.
Nợ công của nước này ước khoảng 64,9 tỉ USD, trong đó 8 tỉ USD là nợ Trung Quốc. Một phần khoản nợ này đến từ lãi suất cao của các khoản cho vay của Trung Quốc. Chẳng hạn, với dự án cảng Hambantota, Sri Lanka vay Trung Quốc 301 triệu USD với lãi suất 6,3% (lãi suất các khoản cho vay mềm của Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng châu Á chỉ vào khoảng 0,25%-3%).
Sri Lanka hiện không thể trả hết nợ cho Trung Quốc do tăng trưởng kinh tế chậm lại. Để giải quyết khủng hoảng nợ, chính phủ Sri Lanka đồng ý chuyển nợ thành cổ phần, dẫn đến nguy cơ quyền sở hữu các dự án ở Sri Lanka cuối cùng sẽ rơi vào tay doanh nghiệp Trung Quốc.
Pakistan cũng đang trượt vào cuộc khủng hoảng tương tự, nếu không muốn nói là nghiêm trọng hơn. Islamabad có nguy cơ gánh khoản nợ còn lớn hơn vì hợp tác với Bắc Kinh trong dự án hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC, có số tiền đầu tư lên đến 46 tỉ USD).
Pakistan buộc phải vay nhiều tiền lãi suất cao của các ngân hàng Trung Quốc để rót tiền cho CPEC và các chuyên gia nhận định quốc gia Nam Á này sẽ mất gần 40 năm mới có thể trả hết nợ vay.
Bình luận (0)