Nhiều bậc cha mẹ đang vô cùng lo lắng không biết tác hại thực sự của những liều vắc-xin giả đã được tiêm vào cơ thể của con mình ra sao. Nếu nó không quá gây hại như nhà chức trách đã trấn an thì vắc-xin giả cũng chẳng thể giúp con cái họ ngăn ngừa được bệnh dù đã tiêm phòng. Vì thế, không ít người đã đưa con ra nước ngoài tiêm chủng. Một vài báo cáo của truyền thông Hồng Kông cho biết nhiều cơ sở y tế ở đặc khu này cuối tháng 7 vừa qua đã tiếp nhận một lượng lớn trẻ em được cha mẹ đưa từ Trung Quốc sang đây tiêm vắc-xin.
Bên bờ vực sụp đổ
Trong một diễn biến khác, vắc-xin giả của Công ty Trường Sinh còn khiến cho người ta thêm nghi hoặc các doanh nghiệp dược phẩm khác ở Trung Quốc. Cơ chế quản lý lỏng lẻo để doanh nghiệp móc nối với quan chức tha hóa, khi bê bối bị phanh phui rồi mà việc xử lý chỉ mang tính đối phó và thiếu cầu thị, càng khiến người ta tin Trường Sinh mới chỉ là một "con sâu" bị lộ diện.
Trẻ em ở Trung Quốc tiêm vắc-xin ngừa bệnh Ảnh: VÕNG THỊ
Hồi tuần trước, tờ South China Morning Post (Hồng Kông) đưa tin một công ty dược phẩm lớn đã có sẵn kế hoạch lần đầu niêm yết trên sàn chứng khoán đang đương đầu với rất nhiều khó khăn và để ngỏ khả năng hoãn kế hoạch niêm yết do thị trường mất lòng tin vào doanh nghiệp dược phẩm Trung Quốc. Một số nhà quan sát còn dự báo rằng thị phần của các doanh nghiệp dược phẩm Trung Quốc sẽ sụt giảm mạnh ngay tại chính nước này sau xì-căng-đan vắc-xin giả.
Thật vậy, chỉ vài ngày sau vụ bê bối vỡ lở, giá cổ phiếu của Công ty Trường Sinh trên sàn chứng khoán Thâm Quyến đã giảm hơn phân nửa. Ngày bà Cao Tuấn Phương - chủ doanh nghiệp này - bị bắt, con trai bà dưới áp lực của cổ đông và thị trường đã phải mua thêm vào lượng cổ phiếu lớn để tăng cổ phần sở hữu và cam kết không bán ra cho đến khi tình hình công ty ổn định trở lại.
Trường Sinh có thể rút khỏi sàn chứng khoán, chính phó tổng giám đốc công ty - ông Trương Minh Hào - đã thừa nhận khả năng này. Công ty hiện đã bị đình chỉ giao dịch trên sàn chứng khoán.
Nhà chức trách cũng đã đình chỉ sản xuất một số loại vắc-xin của Trường Sinh để chờ kết quả điều tra. Trong trường hợp xấu nhất, Trường Sinh có thể bị rút hết lại các giấy phép sản xuất. Điều này dẫn đến nguy cơ công ty sẽ bị đóng cửa, bị đem bán lại cho các đối tác khác và bị xóa sổ. "Đế chế" vắc-xin này như đang đứng bên bờ vực sụp đổ.
Chỉ đạo xử lý tới nơi tới chốn
Bê bối vắc-xin giả của Công ty Trường Sinh còn gây nên cơn địa chấn đối với hệ thống chính trị Trung Quốc.
"Đê hèn", "khủng khiếp", "không thể chấp nhận được"... là những cụm từ đầy căm giận mà các lãnh đạo Trung Quốc dùng khi bình luận về vụ này. Người đứng đầu Trung Quốc dù đang có chuyến công du dài ngày ở nước ngoài cũng đã ra lệnh điều tra, xử lý nghiêm, tới nơi tới chốn để an dân.
Tuần trước, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã đích thân chỉ đạo điều tra vụ việc tại Công ty Trường Sinh. Ông tuyên bố sẽ theo dõi, đôn đốc để xử lý đến cùng và bảo đảm sẽ không tái diễn những vụ tương tự.
Hiện Công an TP Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm đã bắt giữ 18 người trong ban lãnh đạo và quản lý của Công ty Trường Sinh để phục vụ điều tra. Chưa có quan chức nào liên quan vụ này bị bắt giữ.
Nhà chức trách trong nước yêu cầu báo chí giảm thiểu tần suất đăng bài tiêu cực về vụ việc trong khi một số nhà bình luận thời sự Trung Quốc cảnh báo rằng nếu vụ việc không được xử lý nghiêm, những kẻ sai phạm không bị nghiêm trị thì rất có thể một cuộc khủng hoảng xã hội lớn sẽ nổ ra.
Sẽ đền tội ra sao?
Luật Quản lý Dược phẩm của Trung Quốc quy định rõ: Thuốc không đủ tiêu chuẩn được phân loại thành thuốc kém chất lượng và thuốc giả. Công ty Trường Sinh năm ngoái bị phạt 3,4 triệu NDT vì vắc-xin kém chất lượng, còn lần này là vắc-xin giả. Điều 74 Luật Quản lý Dược phẩm nêu: "Doanh nghiệp sản xuất và buôn bán các loại thuốc không đạt tiêu chuẩn thì sẽ bị tịch thu toàn bộ sản phẩm và phạt tiền từ 1 đến 3 lần toàn bộ giá trị lô hàng giả.
Trong trường hợp vi phạm nghiêm trọng thì sẽ bị đình chỉ sản xuất, đình chỉ kinh doanh, thu hồi giấy phép lưu hành dược phẩm và thu hồi giấy phép sản xuất dược phẩm, thu hồi dây chuyền sản xuất; người chịu trách nhiệm của doanh nghiệp sẽ bị truy tố theo luật hình sự".
Điều 142 Bộ Luật Hình sự Trung Quốc quy định: Sản xuất và bán các loại thuốc không đạt tiêu chuẩn, gây thiệt hại nghiêm trọng đối với sức khỏe con người thì bị phạt không dưới 3 năm nhưng không quá 10 năm tù giam, bị phạt tiền không ít hơn 50% doanh thu đến gấp đôi doanh thu hàng hóa vi phạm đã được bán ra.
Nếu gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì sẽ bị phạt không dưới 10 năm tù giam hoặc tù chung thân; bị phạt tiền không ít hơn 50% doanh thu đến gấp đôi doanh thu hàng hóa vi phạm đã được bán ra đến bị tịch thu tài sản.
Điều 114 và điều 115 Bộ Luật Hình sự Trung Quốc quy định: Những người gây nguy hiểm cho an toàn cộng đồng mà không gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 3 năm đến không quá 10 năm; những người gây thương tích nghiêm trọng, tử vong hoặc thiệt hại nghiêm trọng đối với tài sản cộng đồng và tư nhân thì bị phạt tù 10 năm trở lên, tù chung thân hoặc tử hình.
Trong khi đó, theo quy định của TAND Tối cao và giải thích của VKSND Tối cao về một số vấn đề liên quan đến việc áp dụng các luật xử lý những vụ án hình sự nguy hiểm đối với an toàn thuốc, người có hành vi sản xuất, buôn bán nguyên liệu, phụ liệu không phải là dược phẩm hoặc không đáp ứng được yêu cầu chất lượng dược phẩm hoặc tội phạm sản xuất và buôn bán dược phẩm giả gây tổn hại nghiêm trọng đến cộng đồng thì sẽ bị kết án theo các điều khoản có hình phạt tăng nặng.
Xói mòn niềm tin
Vụ bê bối đã bào mòn niềm tin của người dân Trung Quốc vào chất lượng dược phẩm ở nước này. Nó cũng làm cho những chương trình tham vọng trong "Giấc mộng Trung Hoa" bị thách thức nghiêm trọng. Làm sao có thể tin tưởng vào những kế hoạch phục hưng vĩ đại đưa Trung Quốc trở thành quốc gia dẫn dắt thế giới được khi người dân vẫn đang sống cùng với ô nhiễm, thực phẩm bẩn và dược phẩm giả!
Bình luận (0)