Theo quy ước của WHO, một nạn dịch có thể tiến triển từ cấp 1 đến cấp 6. Cấp 5 có nghĩa là virus cúm có thể lây lan từ người sang người ở những vùng lớn, nhưng vẫn chưa đủ để lan truyền đầy đủ. Cấp 6 có nghĩa là đại dịch, virus lây truyền từ người sang người ở quy mô lớn, xuyên quốc gia và kéo dài một thời gian. Đại dịch Tây Ban Nha năm 1918 cướp đi gần 50 triệu sinh mạng được xếp vào cấp 6. Như vậy, theo đánh giá của WHO, thế giới đang bên bờ vực của một đại dịch.
Trước tình hình hiện nay, câu hỏi đặt ra là một đại dịch như dịch Tây Ban Nha 1918 có thể xảy ra trong tương lai hay hiện nay không? Câu trả lời thành thật nhất có lẽ là: Không biết! Không ai có thể đoán chính xác rằng một nạn đại dịch sẽ xảy ra, bởi vì không ai biết tiềm năng gây bệnh và chủng loại của virus này ra sao. Các đại dịch xảy ra như là những thảm họa thiên nhiên có thể xảy ra bất cứ lúc nào, chúng ta khó mà đoán được tai họa và hệ quả ra sao.
Tuy nhiên, đứng trên phương diện dịch tễ học, điều kiện cần để một đại dịch có thể xảy ra là: sự đột biến của virus, tiềm năng lây truyền từ người sang người và virus có khả năng gây tử vong cho con người. Ba điều kiện này hiện nay ra sao?
Thứ nhất, sự đột biến của virus. Ngày 17-4-2009, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh của Mỹ (CDC) cho biết có 2 trẻ em ở một ngoại ô thuộc thành phố San Diego, giáp biên giới Mexico, có kết quả xét nghiệm dương tính với virus H1N1. Virus H1N1 hiện diện ở người, heo và chim/vịt. Khi các chuyên gia CDC phân tích thêm thì họ thấy virus được phát hiện có một mảng DNA không giống như các virus trước tìm thấy ở con người và heo, và họ đặt tên là A/H1N1.
Một nghiên cứu mới công bố trên tập san y học JAMA (thuộc Hiệp hội Y khoa Mỹ) vào đầu tháng 3 năm nay cho biết virus H1N1 đang trở nên kháng các thuốc như tamiflu (oseltamivir), một loại thuốc hàng đầu trong việc phòng chống cúm gia cầm. Điều này cho thấy virus H1N1 quả thật có khả năng đột biến thành một chủng mới và đặt ra nhu cầu cho một loại thuốc chống cúm gia cầm mới.
Thứ hai, khả năng lây truyền từ người sang người. Tháng 2-2008, các nhà nghiên cứu Hà Lan báo cáo một trường hợp mà trong đó 4 bệnh nhân ở một bệnh viện tại Hà Lan mắc bệnh cúm và nhiễm H1N1. Phân tích di truyền học cho thấy tất cả 4 bệnh nhân bị nhiễm vì một virus H1N1. Đây là bằng chứng thuyết phục nhất cho thấy virus H1N1 có thể lây từ người sang người.
Thứ ba là virus H1N1 đã gây tử vong cho con người. Theo số liệu của
Nói tóm lại, trong 3 điều kiện để có thể gây nên một đại dịch thì dịch cúm heo lần này đều hội đủ!
Do đó, không ngạc nhiên khi thấy WHO tuyên bố tình trạng khẩn và nhận định rằng vấn đề có quy mô quốc tế. Có lẽ đây là lần đầu tiên trong 10 năm trở lại đây, WHO phải ra một tuyên bố mang tính nghiêm trọng như vậy. Ngay cả trước đây, khi dịch cúm H5N1 xảy ra ở vài nước châu Á, WHO cũng chưa ra những tuyên bố khẩn.
Tuy khả năng có thể xảy ra một cơn đại dịch nhưng trong thực tế, không ai có thể tiên đoán chính xác được tương lai. Có thể nghĩ đến ba tình huống trong tương lai: một là H1N1 sẽ đột biến để có khả năng lan truyền từ người sang người qua hòa nhập với các virus khác trong con người; hai là qua đường truyền nhiễm (khi con người bị bệnh truyền nhiễm, virus H1N1 có thể đột biến để thích nghi với cơ thể con người); ba là H1N1 có thể trở nên trung hòa với cơ thể con người. Trong ba tình huống đó, virus H1N1 đều có thể trở thành một tác nhân gây bệnh nguy hiểm.
Đứng trên quan điểm y tế công cộng, phòng bệnh vẫn hơn là chữa bệnh.
Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên quá hốt hoảng để phản ứng một cách cực đoan. Hiện nay, giới truyền thông thường lấy thảm họa của nạn đại dịch 1918 ra làm ví dụ với hàm ý nói rằng một đại dịch như thế có thể gây tác hại cho hàng trăm triệu người trên thế giới.
Tuy nhiên, tiên đoán đó dựa vào giả định rằng trình độ y khoa và y tế hiện nay như là trình độ y khoa trong đầu thế kỷ 20. Chúng ta biết rằng một giả định như thế không đúng và do đó, những tiên lượng về một thảm họa rùng rợn kiểu như “thế giới đến giờ tận cùng” (mà một số chiêm tinh gia phương Tây đang tuyên truyền) hoàn toàn không có cơ sở khoa học.
Bình luận (0)