Nhà sản xuất vắc xin lớn nhất thế giới, Viện Huyết thanh Ấn Độ, đã công bố kế hoạch sản xuất hàng trăm triệu liều vắc xin chủng ngừa SARS-CoV-2, ngay cả khi vắc xin này chưa chứng minh được là có hiệu quả hay không. Một canh bạc nếu thắng thì sẽ thắng rất đậm, nhưng nếu ngược lại, rõ là doanh nghiệp tư nhân này sẽ đụng phải rủi ro cực kỳ lớn.
Khởi đầu cho canh bạc
Vào đầu tháng 5, một hộp thép niêm phong kỹ lưỡng đã được gởi đến phòng lạnh của Viện Huyết thanh Ấn Độ, nhà sản xuất vắc xin lớn nhất thế giới. Được "đóng gói" giữa đá khô bên trong hộp, là một lọ nhỏ 1 ml từ Đại học Oxford (Anh) gởi qua. Nó chứa vật liệu tế bào của một trong những loại vắc xin chủng ngừa SARS-CoV-2 hứa hẹn đem lại kết quả khả quan nhất thế giới.
Các nhà khoa học Anh nghiên cứu vắc xin tại bệnh viện Churchill ở Oxford - Ảnh: REUTERS
Và những nhà khoa học khoác áo bờ lu trắng của viện đã nhanh chóng đưa cái lọ đó đến Tòa nhà số 14. Rồi họ đổ chất bên trong lọ, một cách rất cẩn thận, vào một cái bình. Tiếp đến họ đổ thêm vitamin và đường vào để, từ đấy, bắt đầu cho phát triển ra hàng tỷ tế bào. Đây chính khởi đầu của một trong những canh bạc lớn nhất trong hành trình tìm kiếm loại vắc xin có thể giúp kết thúc cơn ác mộng Covid-19 trên thế giới.
Giá vắc xin không cao
Giá bán mỗi một liều vắc xin như thế, theo tờ Hindustan Times của Ấn Độ, được dự kiến vào khoảng 3,01 USD, tức khoảng 70.000 đồng tiền Việt Nam. Một cái giá cực kỳ dễ chịu. Nhưng ngay cả khi loại vắc xin này không thể giành chiến thắng trong cuộc đua, Viện Huyết thanh Ấn Độ vẫn sẽ đóng một vai trò thiết yếu và quan trọng trong việc cung cấp vắc xin chủng ngừa SARS-CoV-2. Nếu việc tự sản xuất vắc xin thất bại, ông Adar Poonawalla cho biết mình vẫn có thể nhanh chóng điều chỉnh dây chuyền sản xuất để sản xuất bất kỳ loại vắc xin nào được cho là có hiệu quả. Trên thực tế, Viện đã hợp tác với những nhà "thiết kế" vắc xin khác, ngay từ ban đầu, nhằm sản xuất vắc xin của bốn hãng bào chế dược phẩm khác.
Trước khi vắc xin được sản xuất đại trà, người dân trên thế giới phải tuân theo các quy định phòng chống bệnh nghiêm ngặt
"Rất ít nơi có thể sản xuất vắc xin với chi phí này, quy mô này và tốc độ này" - ông nói. Theo thỏa thuận với hãng AstraZeneca, Viện Huyết thanh Ấn Độ sẽ sản xuất 1 tỉ liều vắc xin kiểu Oxford cho Ấn Độ và những nước thu nhập thấp và trung bình. Và, điều hiếm có, là sẽ chỉ tính tiền không vượt quá chi phí sản xuất, tức hoàn toàn không lấy lời.
Vắc xin do các nhà khoa học Đại học Oxford "thiết kế" chỉ là một trong số những ứng cử viên đầy hứa hẹn sẽ sớm được sản xuất hàng loạt, tại các hãng bào chế dược phẩm khác nhau, ngay cả trước khi chúng chứng minh được là có tác dụng.
Theo trang web của National Geographic, vắc xin của Oxford mang tên ChAdOx1 hiện đã bước vào giai đoạn 3 quyết định. Nó đang được thử nghiệm ở Brazil. Nghiên cứu lâm sàng cũng sẽ diễn ra tại Anh, Mỹ và Nam Phi. Có thể sẽ có đến 50.000 người tình nguyện cho việc thử nghiệm.
Kết quả sơ bộ từ tất cả các cuộc thử nghiệm của mọi giai đoạn sẽ được thu thập cho đến hết tháng 11. Nếu chúng đều chứng minh được rằng vắc xin là hiệu quả, vào cuối năm, các nhà khoa học Đại học Oxford mới sẽ đăng ký ban đầu với Cơ quan quản lý thuốc và sản phẩm chăm sóc sức khỏe của nước Anh (MHRA).
Về nguyên tắc, vắc xin không chỉ cần thời gian để hoàn thiện mà còn cần thêm cả thời gian để sản xuất. Những mẫu vật cấy sống cần nhiều tuần để phát triển bên trong những lò phản ứng sinh học.
Vắc xin là một trong những loại thuốc an toàn nhất trên thế giới. Đương nhiên, chỉ khi nào các thử nghiệm lâm sàng để kiểm tra tính an toàn và hiệu quả của chúng là cực kỳ nghiêm ngặt. Sẽ rất nguy hiểm nếu bỏ qua thử nghiệm giai đoạn 3 là giai đoạn cực kỳ quan trọng vì nó có thể giúp xác định vắc xin hoạt động tốt hơn so với giả dược (placebo) hay không, và không gây hại cho người được chủng ngừa thử.
Thử nghiệm nghiêm ngặt
Trong thế kỷ qua, những nhà nghiên cứu đã phát triển được - và ngày càng thêm nhiều hơn - những cách để kiểm tra tính an toàn và hiệu quả của vắc xin. Họ còn rút ra một số bài học đắt giá về việc một loại vắc xin mới có thể gây ra một số tác hại cho người được chích.
Nếu thử nghiệm giai đoạn 1 không tạo ra các vấn đề nghiêm trọng về an toàn, những nhà nghiên cứu thường sẽ chuyển sang thử nghiệm giai đoạn 2. Lúc này, họ sẽ tiêm thuốc cho hàng trăm người và quan sát một cách chi tiết hơn. Vậy mà, cho dù những kết quả của giai đoạn 2 có hứa hẹn đến đâu đi chăng nữa, các thử nghiệm của giai đoạn 3 vẫn có thể bị thất bại. Hiện giờ, mọi thử nghiệm giai đoạn 3 của nhiều loại vắc xin chủng ngừa SARS-CoV-2 đều được tiến hành với một số khá đông người tình nguyện - với không dưới 30.000 người cho mỗi loại vắc xin...
Tuy nhiên, theo báo Mỹ New York Times, do việc tìm ra và sản xuất vắc xin này quá cấp bách nên hiện nay nhiều nơi đã tiến hành đồng thời cả hai quá trình: bắt đầu sản xuất ngay, trong khi vắc xin vẫn đang trong quá trình thử nghiệm. Như thế, ngay sau khi các thử nghiệm kết thúc - có thể nhanh nhất là trong vòng sáu tháng tới, mặc dù không ai thực sự biết - các liều vắc xin sẽ được tung ngay vào một thế giới đang tuyệt vọng để bảo vệ chính mình.
Viện Huyết thanh Ấn Độ, do một gia đình người Ấn cực giàu kiểm soát, đang làm chính cái điều đó.
Nếu mọi chuyện diễn ra tốt đẹp, Adar Poonawalla, tổng giám đốc Việt Huyết thanh Ấn Độ, người con duy nhất của nhà sáng lập ra doanh nghiệp này, sẽ trở thành một trong những người đàn ông giỏi giang nhất thế giới. Đương nhiên, ông ấy sẽ có trong tay thứ mà hầu như toàn bộ thế giới này đang thèm muốn. Và có thể với số lượng cực kỳ lớn, hơn bất kỳ ai khác.
Viện Huyết thanh của ông đã hợp tác với các nhà khoa học ở Đại học Oxford, Anh để phát triển vắc xin chủng ngừa SARS-CoV-2. Hồi tháng 4 năm nay, viện đã mạnh dạn tuyên bố rằng mình sẽ sản xuất hàng loạt vắc xin ngay cả trước khi các thử nghiệm lâm sàng kết thúc. Giờ đây, dây chuyền sản xuất vắc xin của ông Adar Poonawalla đang sẵn sàng để sản xuất đến 500 liều thuốc chủng mỗi phút.
Vậy nên điện thoại của ông tổng giám đốc 39 tuổi này bây giờ vẫn đang tiếp tục đổ chuông.
Các bộ trưởng y tế quốc gia, thủ tướng và nguyên thủ quốc gia khác (ông Adar Poonawalla không cho biết đó là những ai), và cả những người bạn nhiều năm không hề liên lạc gì với ông, đều gọi điện tới. Dễ hiểu quá: họ đều "cầu xin" được cung cấp vắc xin của những đợt sản xuất đầu tiên. "Tôi đã phải giải thích với họ rằng, "Xem này, tôi không thể cung cấp cho bạn như thế này được đâu," ông Adar Poonawalla cho biết.
Phải sản xuất nhiều
Với đại dịch Covid-19 gây ra đang làm đảo lộn thế giới và mọi hy vọng đều đổ dồn vào một loại vắc xin kiến hiệu mà giờ vẫn chưa xuất hiện, dường như Viện Huyết thanh Ấn Độ đang nhận ra rằng mình đang đứng giữa một cuộc đua căng thẳng và đầy dẫy những thế lực cạnh tranh, nhưng không kém phần mờ mịt.
Mọi hãng bào chế dược phẩm đều cho biết, để có thể sản xuất vắc xin càng sớm càng tốt, cần phải có dây chuyền sản xuất cực kỳ lớn như của Viện Huyết thanh Ấn Độ. Hiện nay, mỗi năm, doanh nghiệp này sản xuất ra 1,5 tỉ liều các loại vắc xin khác nhau, nhiều hơn bất cứ hãng bào chế dược phẩm nào trên thế giới. Phần lớn các vắc xin của Viện Huyết thanh Ấn Độ đều được dành cung cấp cho những nước nghèo.
Phân nửa số trẻ em trên thế giới, chẳng hạn, đã được chủng ngừa với các loại vắc xin do Viện Huyết thanh Ấn Độ sản xuất. Quy mô sản xuất cực lớn chính là đặc điểm của Viện này.
Cho tới nay, vẫn chưa rõ là Chính phủ Ấn Độ dự tính giữ lại bao nhiêu liều vắc xin chủng ngừa vi rút corona do Viện Huyết thanh Ấn Độ sản xuất. Và ai sẽ tài trợ cho việc sản xuất đó. Những chuyện như thế khiến cho ông Adar Poonawallas phải "lách đi" giữa các áp lực chồng chéo; áp lực chính trị, tài chính, trong nước cũng như từ nước ngoài.
Vi rút corona đang hoành hành ở Ấn Độ. Với 1,3 tỉ người, nước này cần một lượng vắc xin cực kỳ nhiều. Ông Narendra Modi, Thủ tướng Ấn Độ, là người có tinh thần dân tộc cao, chính phủ do ông lãnh đạo đã ra tay ngăn chặn việc xuất khẩu các loại thuốc được cho là giúp điều trị Covid-19 do vi rút corona gây ra.
Tuy nhiên, ông Adar Poonawalla, tuyên bố ông sẽ chia hàng trăm triệu liều vắc xin do doanh nghiệp mình sản xuất theo tỷ lệ 50-50 giữa Ấn Độ với phần còn lại của thế giới, tập trung vào những nước nghèo nhất. Ông nói thêm là chính phủ của ông Modi không phản đối chuyện "chia chác" này.
Viện Huyết thanh Ấn Độ cho biết, khi các thử nghiệm kết thúc, dự kiến vào khoảng tháng 11-2020, mình sẽ cho vào kho được 300 triệu liều thuốc chủng ngừa.
Cho tới nay, các các chính phủ Mỹ, châu Âu đã cam kết bỏ ra nhiều tỉ USD cho chuyện này, ký kết hợp đồng với những hãng bào chế dược phẩm khổng lồ như Johnson & Johnson, Pfizer, Sanofi và AstraZeneca. Họ đều muốn tăng tốc phát triển và sản xuất những loại vắc xin được cho là có tiềm năng. Đây chính là kiểu "mua lúa non" thường thấy ở bà con nông dân ta.
Bình luận (0)