Các nhà nghiên cứu tại Trường ĐH Hồng Kông hôm 24-8 công bố trường hợp tái nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19) đầu tiên được ghi nhận trên thế giới.
Theo Reuters, người đàn ông 33 tuổi này bị nhiễm virus SARS-CoV-2 hồi tháng 3 và hồi phục vào tháng 4. Tuy nhiên, người này một lần nữa bị phát hiện mắc Covid-19 sau khi du lịch châu Âu trở về vào giữa tháng 8. Sau đó một ngày, truyền thông Hà Lan đưa tin 1 người ở Hà Lan và 1 người ở Bỉ cũng được xác nhận tái nhiễm virus SARS-CoV-2.
Trước đó, đã xuất hiện thông tin về một số ca tái nhiễm Covid-19 tại Trung Quốc đại lục. Dù vậy, người ta không rõ là liệu những người này có nhiễm virus trở lại sau khi hồi phục hoàn toàn hoặc vẫn còn virus trong người từ lần nhiễm đầu tiên.
Với trường hợp ở Hồng Kông nói trên, các nhà nghiên cứu đã sử dụng phương pháp giải mã trình tự gien để chứng minh được chủng virus gây ra 2 lần bệnh là khác nhau. Theo công trình được đăng trên tạp chí Bệnh truyền nhiễm lâm sàng Mỹ, kết quả phân tích cũng cho thấy virus hiện có trong cơ thể người đàn ông Hồng Kông cũng tương tự chủng virus đang lưu hành ở châu Âu, nơi dịch Covid-19 đang tái bùng phát. Ngoài ra, bệnh nhân không biểu hiện triệu chứng trong lần nhiễm thứ 2, khác với lần đầu tiên.
Người dân đeo khẩu trang ngoài đường phố ở Hồng Kông (Trung Quốc) gần đâyẢnh: Reuters
"Đây là lần ghi nhận đầu tiên trên thế giới về một bệnh nhân Covid-19 đã hồi phục nhưng lại tái nhiễm một đợt Covid-19 khác sau đó" - các tác giả nghiên cứu cho biết, đồng thời cảnh báo những người từng khỏi Covid-19 không nên tự cho rằng mình đã miễn dịch trước căn bệnh này.
Lời khuyên đưa ra là họ vẫn cần phải được tiêm vắc-xin (nếu có), đeo khẩu trang và tuân thủ các quy định giãn cách xã hội. "Phát hiện của chúng tôi cho thấy rằng virus SARS-CoV-2 có thể sẽ tồn tại lâu dài trong dân số toàn cầu, tương tự các chủng virus corona gây cảm lạnh thông thường, ngay cả khi bệnh nhân có khả năng đạt miễn dịch thông qua lây nhiễm tự nhiên" - nhóm nghiên cứu cho biết hôm 24-8.
Báo The Guardian (Anh) nhận định ca tái nhiễm ở Hồng Kông cho thấy khả năng miễn dịch với virus SARS-CoV-2 có thể chỉ tồn tại trong thời gian ngắn và đặt ra nhiều câu hỏi về vắc-xin phòng Covid-19.
Thế nhưng, nhiều nhà khoa học nhận định diễn biến này không quá đáng lo. Ông Jeffrey Barrett, chuyên gia tư vấn cho dự án Bộ gien Covid-19 tại Viện Wellcome Sanger (Anh), cho rằng các nhà nghiên cứu Hồng Kông có thể đã đưa ra kết luận quá chung chung. "Với tổng số ca nhiễm toàn cầu cho đến nay thì có một ca tái nhiễm không phải là điều đáng ngạc nhiên dù đó là một trường hợp rất hiếm" - ông nhận định với tờ The Guardian.
Một số chuyên gia khác cho rằng không nên vì phát hiện trên mà phủ nhận nỗ lực phát triển vắc-xin phòng Covid-19 trên toàn cầu. Ngay cả ông Kai-Wang To, một trong những tác giả cuộc nghiên cứu ở Hồng Kông, cũng nhấn mạnh phát hiện trên không đồng nghĩa với việc tiêm vắc-xin Covid-19 là vô ích. "Miễn dịch do vắc-xin tạo ra có thể khác với miễn dịch do lây nhiễm tự nhiên tạo ra. Chúng ta cần phải đợi kết quả của các cuộc thử nghiệm để xem vắc-xin hiệu quả như thế nào" - ông Kai-Wang To nói với Reuters.
Dự án vắc-xin Covid-19 của WHO được ủng hộ mạnh
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hôm 24-8 cho biết khoảng 172 quốc gia tham gia dự án COVAX nhằm bảo đảm tiếp cận công bằng với vắc-xin phòng ngừa Covid-19 sau khi chúng được phát triển và đưa vào sử dụng. Là dự án do WHO, Liên minh Vắc-xin GAVI và Liên minh Sáng kiến phòng chống dịch bệnh (CEPI) đứng đầu, COVAX hiện có 9 ứng viên vắc-xin Covid-19 và đặt mục tiêu bảo đảm nguồn cung, cũng như phân phối khoảng 2 tỉ liều vắc-xin cho các nước đăng ký tham gia vào cuối năm 2021. Theo WHO, các nước muốn tham gia dự án COVAX cần đệ đơn trước ngày 31-8 trong khi việc xác nhận phải hoàn tất trước ngày 18-9 và các khoản phí ban đầu cần thanh toán trước ngày 9-10.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đánh giá kế hoạch này đóng vai trò quan trọng trong việc chấm dứt đại dịch Covid-19, không những tăng cơ hội mua vắc-xin cho các quốc gia đang phát triển mà còn bảo đảm giá vắc-xin được duy trì ở mức thấp nhất có thể. "Chủ nghĩa dân tộc về vắc-xin chỉ có lợi cho virus. Sự thành công của COVAX không chỉ phụ thuộc vào các quốc gia đăng ký mà còn cần sự đóng góp chi phí cho dự án" - Tổng Giám đốc WHO nhấn mạnh. Ông Tedros cho biết thêm rằng khi nguồn cung ban đầu còn hạn chế, điều quan trọng là cung cấp vắc-xin cho những người có nguy cơ cao nhất, trong đó có nhân viên y tế đang làm việc ở tuyến đầu.
Xuân Mai
Bình luận (0)