Cụ thể, theo tạp chí y học New England Journal of Medicine (Mỹ), ước tính 12% người trưởng thành (603,7 triệu người) và 5% trẻ em (107,7 triệu trẻ) bị béo phì.
Theo trang Washington Examiner (Mỹ), tỉ lệ béo phì tăng gấp đôi ở 73 quốc gia trong giai đoạn 1980-2015 và liên tục tăng ở hầu hết nước còn lại. Cũng trong năm 2015, khoảng 4 triệu người thừa cân qua đời, chiếm 7,1% tổng số ca tử vong trên toàn thế giới.
Mỹ có nhiều người béo phì. Ảnh: Reuters
Tình trạng béo phì gia tăng tại cả nước giàu và nghèo cho thấy vấn đề không đơn giản là do thu nhập hay sự giàu có. Thay đổi trong môi trường thực phẩm và hệ thống lương thực có thể là những nguyên nhân chính. Sự sẵn có, khả năng tiếp cận dễ dàng, cùng với những chiến dịch tiếp thị, loại thực phẩm giàu năng lượng có thể gây ra việc hấp thụ năng lượng quá mức và tăng cân ở những dân số khác nhau.
Ngoài ra, sự hạn chế vận động thể chất do đô thị hóa và những thay đổi khác trong môi trường sống cũng là những yếu tố tiềm tàng làm gia tăng nạn béo phì.
Theo báo cáo trên, Mỹ và Trung Quốc có số lượng người trưởng thành béo phì nhiều nhất thế giới. Trong khi đó, số lượng trẻ em béo phì nhiều nhất là ở Trung Quốc và Ấn Độ. Riêng ở Mỹ, béo phì không phải là vấn đề quá mới nhưng báo cáo mới nói trên vẫn không khỏi khiến giới chức nước này lo lắng.
Dựa trên dữ liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), một công trình nghiên cứu mới của Trường ĐH Harvard (Mỹ) cũng chỉ ra thực trạng đáng lo: Khoảng 38% người Mỹ từ 20 tuổi trở lên và 17% trẻ em trong độ tuổi 6-11 đang béo phì.
Bình luận (0)