Ai đứng sau sự cố?
Theo Reuters, cho đến nay, chính phủ và lãnh đạo các nước phương Tây luôn tránh quy trách nhiệm trực tiếp trong vụ Nord Stream, trong khi Nga lại đổ lỗi cho phương Tây.
Các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) tin rằng thiệt hại là do phá hoại nhưng chưa nêu tên bất kỳ bên nào. Ông Fatih Birol, Giám đốc Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), cho biết "rất rõ ràng" rằng có người đứng sau vụ việc nhưng không cho biết đó là ai.
Ở chiều ngược lại, Điện Kremlin cho rằng những cáo buộc về trách nhiệm của Nga là "ngu ngốc" và các quan chức Nga nói Washington có động cơ muốn bán thêm khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) cho châu Âu.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 30-9 khẳng định Mỹ và các đồng minh đã cho nổ bên trong Nord Stream. Ông Putin nói: "Trừng phạt chưa đủ, họ còn chuyển sang phá hoại".
Rò rỉ khí đốt từ Nord Stream 2 ở biển Baltic do Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Thụy Điển chụp từ máy bay vào ngày 28-9. Ảnh: Reuters
Trong các bình luận trước đó, Nhà Trắng đã bác bỏ cáo buộc rằng mình phải chịu trách nhiệm. Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 30-9 cho biết vụ rò rỉ Nord Stream là một hành động phá hoại có chủ ý.
Ai lợi, ai hại?
Một số nhà phân tích cho rằng Nga có thể đứng sau sự cố Nord Stream, với ý đồ đe dọa châu Âu, đặc biệt là khi một đường ống mới vừa được kết nối giữa Na Uy và Ba Lan.
Tuy nhiên, Nga cũng chịu thiệt hại trong vụ này, bởi Nord Stream do tập đoàn Gazprom của Nga phối hợp xây dựng với các đối tác châu Âu với chi phí lên tới hàng tỉ USD. Đường ống hư hại đồng nghĩa với việc Nga mất đi một lợi thế đối với châu Âu trong lúc châu lục này đang chạy đua để tìm nguồn cung cấp khí đốt khác cho mùa đông.
Trong vụ này, Ukraine cũng có thể là bên hưởng lợi. Kiev từ lâu đã kêu gọi châu Âu ngừng mọi hoạt động mua nhiên liệu của Nga, mặc dù một số khí đốt vẫn đến châu Âu qua lãnh thổ của họ. Việc Nord Stream gián đoạn khiến yêu cầu của Kiev về một lệnh cấm vận hoàn toàn nhiên liệu của Nga dần trở thành hiện thực.
Bản đồ các đường ống Nord Stream và các vị trí đã bị tiết lộ. Ảnh: Reuters
Sự cố Nord Stream xảy ra như thế nào?
Các chuyên gia cho rằng mức độ thiệt hại cộng với việc các điểm rò rỉ ở cách xa nhau trên cả 2 đường ống Nord Stream 1 và Nord Stream 2 cho thấy đây là một vụ việc cố ý và được tiến hành theo kế hoạch cẩn thận.
Một nguồn tin quốc phòng Anh cho đài Sky News hay rằng vụ tấn công có thể được thực hiện bằng thủy lôi (hoặc các chất nổ khác) và được kích nổ từ xa. Với mức độ gây nổ và độ chính xác cao, thủ phạm đứng sau có thể đã được tiếp cận công nghệ tinh vi.
Trong khi bí ẩn vẫn bủa vây, sự cố Nord Stream đã thêm dầu vào lửa xung đột ở Ukraine, theo ông Marek Swierczynski, nhà phân tích quốc phòng của tổ chức Polityka Insight (Ba Lan).
Bình luận (0)