Trong lúc chờ mọi chuyện sáng tỏ, tranh cãi mới nhất này chỉ càng làm gia tăng cuộc đối đầu giữa các quốc gia ở vùng Vịnh.
Hãng tin WAM của UAE hôm 15-1 đưa tin chiến đấu cơ Qatar đã chặn 2 máy bay thương mại đang trên đường bay từ Dubai đến Manama, thủ đô Bahrain sáng cùng ngày. Hai máy bay sau đó hạ cánh an toàn ở Manama và bay về UAE mà không có sự cố nào xảy ra.
Tuy nhiên, Qatar khẳng định không hề có chuyện như thế. Bahrain và UAE là 2 trong những nước tham gia chiến dịch phong tỏa Qatar do Ả Rập Saudi đứng đầu.
Ông Abdullah Bin Ali Al-Thani cáo buộc UAE trong đoạn video hôm 14-1 Ảnh: AL JAZEERA
Trước đó 1 ngày, ông Abdullah bin Ali al-Thani, thành viên Hoàng gia Qatar, cáo buộc UAE đã cầm giữ ông "như tù nhân". Tuy nhiên, UAE bác bỏ cũng như khẳng định không có chuyện một máy bay của họ xâm phạm không phận Qatar hồi tháng 12-2017 như cáo buộc từ Doha.
Theo trang Bloomberg, ông Abdullah từng được truyền thông UAE hồi năm 2017 đánh giá là người có khả năng thay thế Quốc vương Qatar Tamim bin Hamad al Thani. Em trai và con trai ông Abdullah hôm 15-1 đã yêu cầu Ủy ban Nhân quyền quốc gia Qatar theo sát tình hình của ông.
Ủy ban này cho biết gia đình ông Abdullah xác nhận nhà chức trách UAE cầm giữ và hạn chế việc đi lại của ông này.
Những cáo buộc qua lại nói trên làm dấy lên mối lo ngại rằng cuộc xung đột giữa Qatar và 4 quốc gia Ả Rập (Ả Rập Saudi, UAE, Bahrain, Ai Cập) lại nóng lên sau một giai đoạn yên ắng. Hồi tháng 6-2017, các nước này cắt đứt quan hệ ngoại giao, thương mại và giao thông với Qatar, lấy lý do Doha gây bất ổn khu vực bằng cách hỗ trợ khủng bố.
Ông Hani Sabra, nhà sáng lập Công ty Tư vấn Alef Advisory (Mỹ), nhận định diễn biến mới nhất nói trên không khỏi gây lo ngại, nhất là trong bối cảnh không bên nào trong cuộc đối đầu quan tâm đến việc thỏa hiệp. Tuy nhiên, ông Ayham Kamel, chuyên gia của Công ty Tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group (Mỹ), nhận định UAE sẽ tìm cách bảo toàn quan hệ với Mỹ nên có lẽ không chọn lựa phương án leo thang căng thẳng trong nay mai.
Bình luận (0)