Ngoài ra, đại sứ Qatar sẽ trở lại Iran để thực thi nhiệm vụ ngoại giao. Doha rút đại sứ khỏi Tehran vào tháng 1-2016 sau các vụ tấn công vào Đại sứ quán Ả Rập Saudi ở Iran.
Đáng chú ý, khi thông báo quyết định của mình, Qatar không hề đề cập đến cuộc khủng hoảng ngoại giao đang khuấy động khu vực từ tháng 6. Khi đó, các nước láng giềng đã đình chỉ quan hệ ngoại giao với Qatar cũng như ngừng tất cả các tuyến giao thông đường bộ, đường biển và hàng không.
Cắt đứt quan hệ với Tehran là yêu sách chủ chốt được 4 quốc gia Ả Rập Saudi, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất, Bahrain và Ai Cập đưa ra để đổi lấy việc dỡ bỏ tẩy chay Qatar. Ngoài ra, Doha còn bị yêu cầu phải ngưng ủng hộ khủng bố, giảm bớt hiện diện quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ bên trong lãnh thổ của mình và đóng cửa đài al Jazeera.
Bộ trưởng Ngoại giao Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman al-Thani phát biểu với báo giới ở Doha - Qatar Ảnh: REUTERS
Vấn đề là cuộc khủng hoảng trên dường như càng đẩy Qatar và Iran lại gần nhau hơn. Doha lý giải họ phải duy trì mối quan hệ với Tehran do hai bên chia sẻ mỏ khí đốt thiên nhiên lớn nhất thế giới. "Mối quan hệ giữa Qatar với Iran sẽ vẫn xoay quanh các lợi ích kinh doanh và thương mại, không phải chính trị" - ông Andreas Krieg, chuyên gia Trường Cao đẳng King ở London - Anh, nhận định với trang Bloomberg.
Bất chấp động cơ là gì, theo đài CNN, động thái mới nhất của Qatar vẫn có thể chọc giận 4 nước Ả Rập trên và làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng ngoại giao. Một số chuyên gia nói thêm rằng bước đi này là tín hiệu rõ ràng cho thấy Doha sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách đối ngoại được xem là có lợi cho lợi ích quốc gia, cũng như củng cố thông điệp họ không sẵn sàng thỏa hiệp trước sức ép của các nước láng giềng.
Bình luận (0)