Các nhà thiên văn học khắp thế giới đã đồng loạt kêu gọi tập trung quan sát Tabby - từ lâu đã dính "nghi án" bị người ngoài hành tinh khai thác năng lượng, sau khi ngôi sao cách Trái đất 1.300 năm ánh sáng này bắt đầu giảm sáng bất thường một lần nữa hôm 19-5.
Siêu công trình ngoài hành tinh?
Hiện tượng lạ kỳ nêu trên được ghi nhận lần đầu tiên vào năm 2015, khi ngôi sao mang ký hiệu KIC 8462852 trong chòm Thiên Nga này được phát hiện tỏa ánh sáng thất thường chưa từng thấy. Dường như có thứ gì đó ngăn chặn ánh sáng phát ra khiến Tabby mờ đi - điều chưa từng được ghi nhận ở bất cứ ngôi sao nào trong tổng số 150.000 ngôi sao mà kính viễn vọng không gian Kepler của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) quan sát được.
Theo các chuyên gia, những nền văn minh trong vũ trụ có thể đã xây dựng một siêu công trình khổng lồ bao quanh ngôi sao Tabby Ảnh: CAPNHACK
Một số chuyên gia cho rằng những nền văn minh trong vũ trụ có thể đã xây dựng một siêu công trình khổng lồ, được gọi là Quả cầu Dyson, bao quanh Tabby, như nhà máy khai thác năng lượng của ngôi sao đặc biệt này. Từ đó, ánh sáng phát ra bị chặn dẫn tới kiểu tỏa sáng của nó không giống ai.
Theo trang Atlantic, Tabby đã giảm khoảng 22% ánh sáng kể từ hôm 19-5. Nhà khoa học Tabetha Boyajian, người có công phát hiện KIC 8462852 và cái tên Tabby đặt cho nó xuất phát từ tên ông, kêu gọi tất cả đài quan sát thiên văn học tập trung hướng về ngôi sao này để thu thập dữ liệu mới khi nó trải qua chu kỳ giảm sáng mới nhất.
Hiện tượng bất thường của ngôi sao được mệnh danh là bí ẩn nhất vũ trụ cũng được coi là cơ hội đặc biệt cho các nhà khoa học đo lường ánh sáng của nó, nhằm giải mã bí ẩn phía sau hiện tượng giảm sáng.
Theo GS Zaza Osmanov, Đại học Tbilisi, bang Georgia - Mỹ, nếu thực sự "thủ phạm" là siêu công trình ngoài hành tinh thì việc phát hiện nó không khó với điều kiện các chuyên gia phải tập trung đúng chỗ. Ông cho rằng các nhà nghiên cứu thiên văn nên chuyển sự chú ý vào 64 ẩn tinh gần hành tinh của chúng ta, được cho là có khả năng "chứa chấp" một siêu công trình ngoài hành tinh cao nhất.
"Trò chơi nguy hiểm"
Trong một nghiên cứu công bố trên tờ arXiv hồi năm ngoái, GS Osmanov cho rằng siêu công trình ngoài hành tinh có hình dạng như chiếc đĩa mỏng thay vì lớp vỏ hình cầu như suy đoán trước đây. Theo ông, nếu giả thuyết này đúng, quả cầu Dyson có thể tồn tại ở khu vực phù hợp với sự sống quanh ngôi sao nên chỉ cần một kính viễn vọng hồng ngoại là có thể quan sát được. GS Osmanov cảnh báo nền văn minh ngoài hành tinh sống trên siêu công trình khai thác năng lượng của Tabby có thể đủ mạnh để xóa sổ nhân loại.
Chuyện người ngoài hành tinh có thực sự tồn tại hay không đến nay vẫn là bí ẩn chưa có lời giải. Trên thế giới có cả đội ngũ đông đảo những người săn đĩa bay (UFO) hay tìm kiếm dấu vết người ngoài hành tinh. Một số cựu phi hành gia của NASA từng đi vào vũ trụ, như Edgar Mitchell hay Gordon Cooper, khẳng định người ngoài hành tinh thực sự tồn tại và đã liên lạc với con người.
Các đợt bùng phát sóng vô tuyến vũ trụ cực nhanh và vô cùng hiếm gặp - gọi là chớp sóng nhanh (FRB), được phát hiện lần đầu tiên cách đây 10 năm - đã khiến nhiều người đặt câu hỏi: Phải chăng người ngoài hành tinh đang cố gắng liên lạc với Trái đất? Đợt bùng phát FRB mới nhất - được gọi là FRB 150215, do các nhà nghiên cứu ở Viện Thiên văn học vô tuyến Hà Lan phát hiện năm 2015 - khiến giới chuyên gia hào hứng hơn cả.
Tuy nhiên, dù dành suốt 2 năm qua với nhiều loại kính viễn vọng nhưng các nhà nghiên cứu thừa nhận vẫn không có manh mối gì về nơi phát ra tín hiệu bí ẩn đó.
FRB là những đợt phát sóng vô tuyến xảy ra tạm thời và ngẫu nhiên, khiến chúng không chỉ khó tìm kiếm mà còn rất khó nghiên cứu. Bí ẩn bắt nguồn từ thực tế các nhà nghiên cứu không rõ điều gì sản sinh ra loại sóng vô tuyến ngắn và rõ như vậy. Điều đó dẫn tới một số giả định, như chúng có thể xuất phát sau khi các vì sao va chạm hoặc là thông điệp do người ngoài hành tinh gửi tới Trái đất. Đến nay, 22 FRB đã được phát hiện song các nhà thiên văn tin chắc con số có thể lên tới 2.000 FRB trong vũ trụ mỗi ngày.
Tổ chức Liên lạc với trí tuệ ngoài Trái đất (METI, trụ sở tại TP San Francisco - Mỹ) dự kiến bắt đầu gửi tín hiệu ra ngoài không gian từ năm 2018 để tìm kiếm sự sống ngoài Trái đất, thay vì ngồi yên chờ đợi người ngoài hành tinh chủ động liên lạc. Kế hoạch này nhận được nhiều ý kiến trái chiều khi một số người gọi hành động trên là tự tìm tới rắc rối.
Nhà khoa học nổi tiếng người Anh Stephen Hawking cho rằng nếu có bất kỳ một dạng sống thông minh nào ngoài hành tinh thì chúng ta đang chơi trò chơi nguy hiểm khi cố liên lạc với họ. Nhà vật lý này tin tưởng nếu người ngoài hành tinh phát hiện ra Trái đất, nhiều khả năng họ sẽ muốn thôn tính hành tinh của chúng ta.
Tuy nhiên, Chủ tịch METI, ông Douglas Vakoch, lại không tán đồng với quan điểm của GS Hawking. Ông cho rằng gửi thông điệp tới người ngoài hành tinh không hề nguy hiểm bởi bất cứ cư dân ngoài hành tinh nào đủ tiến bộ tới mức có thể tới thăm Trái đất thì cũng thừa biết chúng ta đã là chủ nhân ở đây.
Chính phủ Anh sắp công bố "bom tấn"
Trang Grenzwissenschaft-aktuell (Đức) hôm 22-5 tiết lộ một bộ hồ sơ mật của chính phủ Anh, được cho là chứa đựng những bằng chứng về người ngoài hành tinh vốn giữ kín gần 50 năm qua, sẽ được công bố sau cuộc tổng tuyển cử của nước này vào tháng 6 tới. Giới săn tìm dấu vết UFO hy vọng những tài liệu này sẽ cho thấy lời giải của một số vụ việc bí ẩn được cho là đã bị giấu nhẹm, trong đó có nghi án đụng độ UFO năm 1980 tại rừng Rendlesham.
Cục Lưu trữ quốc gia Anh ban đầu định công bố bộ hồ sơ nêu trên vào năm 2013 song 18 tài liệu trong đó đã bị giữ lại. Bộ Quốc phòng Anh về sau thừa nhận chưa giao số tài liệu này cho Cục Lưu trữ và hứa hẹn sẽ công bố toàn bộ trong năm 2016. Tuy nhiên, đợt công bố này tiếp tục bị hoãn tới tháng 3-2017 rồi đến nay vẫn chưa diễn ra, làm dấy lên đồn đoán về khả năng những tài liệu đó chứa đựng những bí mật động trời mà giới chức trách chưa biết xử lý ra sao.
Bình luận (0)