Nước Mỹ hôm 2-12 lại chấn động vì một vụ xả súng kinh hoàng khiến 14 người thiệt mạng và 17 người bị thương, trong đó 10 người nguy kịch, tại TP San Bernardino, bang California. Vụ việc lần này gây nhiều hoang mang, lo sợ bởi mối đe dọa khủng bố đang phủ bóng thế giới sau vụ tấn công khủng bố liên hoàn ở thủ đô Paris - Pháp vào tháng rồi.
Buổi tiệc Giáng sinh đẫm máu
Theo nhà chức trách địa phương, 2 nghi phạm vụ xả súng là Syed Rizwan Farook, 28 tuổi và Tashfeen Malik, 27 tuổi. Ông Jarrod Burguan, cảnh sát trưởng TP San Bernardino, cho biết Farook sinh tại Mỹ, còn Malik là vợ hoặc hôn thê của y nhưng hiện chưa rõ nhân thân cô này.
Được trang bị vũ khí tận răng, cặp đôi Farook - Malik đã xông vào tòa nhà Trung tâm vùng Inland (IRC) - một cơ sở đào tạo dành cho người khuyết tật - lúc 11 giờ (giờ địa phương), xả súng vào những người đang tham dự một buổi tiệc Giáng sinh dành cho nhân viên Sở Y tế hạt San Bernardino trước khi tẩu thoát trên một chiếc xe thể thao đa dụng. Vài giờ sau đó, 2 nghi phạm này bị tiêu diệt trong vụ rượt đuổi rồi đọ súng với cảnh sát tại nơi cách hiện trường vụ thảm sát vài dặm.
Người thứ 3 bị bắt khi đang chạy gần nơi xảy ra đọ súng nhưng hiện chưa rõ liệu người này có liên quan đến tội ác nêu trên hay không. Theo ông Burguan, cảnh sát cho đến giờ tin rằng chỉ có 2 kẻ xả súng và 2 người này đã chết.
Điều đáng chú ý là Farook đã có mặt tại buổi tiệc nêu trên trước khi đột ngột rời đi “trong tâm trạng giận dữ”, rồi quay trở lại cùng với Malik để tàn sát người vô tội. Y làm việc cho Sở Y tế hạt San Bernardino được 5 năm, chuyên thanh tra vấn đề vệ sinh tại các nhà hàng và khách sạn.
Ông Patrick Baccari, một đồng nghiệp của Farook, mô tả nghi phạm này là người kín tiếng và không biểu lộ dấu hiệu bất thường. Cũng theo người này, Farook gần đây đến Ả Rập Saudi để gặp một phụ nữ quen qua mạng rồi sau đó, họ trở về như là “vợ chồng”. Đài NBC News tiết lộ cặp đôi này đã giao đứa con gái 6 tháng tuổi cho mẹ của Farook trước khi ra tay.
Khủng bố nội địa?
Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đang điều tra động cơ vụ xả súng, trong đó có bạo lực nơi làm việc và khủng bố. Trong khi đó, ông Burguan nhận định đây là một vụ theo kiểu tấn công khủng bố nội địa.
“Họ đã chuẩn bị kỹ (cho vụ thảm sát), như thể đang tiến hành sứ mệnh nào đó” - vị cảnh sát trưởng này nhận định, đồng thời cho biết vụ xả súng bắt đầu sau khi Farook rời khỏi bữa tiệc 10-30 phút. Ngoài ra, khi bị tiêu diệt, 2 hung thủ mặc “trang phục kiểu tấn công” với súng trường, súng ngắn bán tự động và đạn.
Chưa hết, cảnh sát còn tìm thấy một chiếc túi chứa 3 thiết bị nổ tại hiện trường vụ xả súng tại tòa nhà IRC và tin rằng 2 nghi phạm có ý kích hoạt nó từ xa. Thêm một chi tiết đáng chú ý khác: Cha của Farook nói con trai ông là người Hồi giáo rất mộ đạo.
Hãng tin Reuters chỉ ra những điểm khác biệt giữa vụ xả súng mới nhất với các vụ tương tự trước đó ở Mỹ: có nhiều hơn 1 người tham gia, trong đó có 1 phụ nữ, và kế hoạch tẩu thoát được hoạch định kỹ lưỡng. Tuy nhiên, giới chức Mỹ nhận định vụ việc cũng rất khác những vụ tấn công do những nhóm khủng bố được biết đến gây ra, như tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Bản thân IS không lên tiếng nhận trách nhiệm dù những kẻ ủng hộ họ đã lên mạng “ca ngợi” vụ thảm sát.
Cho dù động cơ có là gì thì vụ xả súng nêu trên - đẫm máu nhất ở Mỹ kể từ vụ tại Trường Tiểu học Sandy Hook hồi năm 2012, khiến 27 người thiệt mạng - chắc chắn càng hâm nóng thêm cuộc tranh luận về kiểm soát súng đạn ở Mỹ. Con số thống kê của trang shootingtracker.com khiến nhiều người không khỏi giật mình: 355 vụ nổ súng đã xảy ra tại nước này kể từ đầu năm 2015 đến giờ. Con số này vào cùng kỳ năm ngoái là 301 vụ.
“Thật xấu hổ khi quốc hội không chịu làm bất kỳ điều gì để ngăn bạo lực súng đạn, bất chấp những vụ xả súng kinh hoàng mà chúng ta không ngừng chứng kiến và thực tế là đa số người dân muốn họ làm thế” - bà Juliet Leftwich, Giám đốc pháp lý của Trung tâm Luật pháp ngăn chặn bạo lực súng, chỉ trích.
Phe Dân chủ, đại diện là Tổng thống Barack Obama và các ứng viên tổng thống, tiếp tục kêu gọi tăng cường kiểm soát súng đạn để “làm cho người Mỹ được an toàn hơn”. Trong khi đó, phe Cộng hòa, nhất là các ứng viên tổng thống sáng giá, chủ yếu chỉ đưa ra lời cầu nguyện dành cho các nạn nhân và gia đình họ chứ không đả động gì đến vấn đề gây tranh cãi nêu trên.
“Tôi sẽ lãnh đạn trước”
Trong lúc được sơ tán khỏi hiện trường vụ xả súng, cô Gabi Flores ghi lại được cảnh một cảnh sát trấn an người dân. “Bình tĩnh nào mọi người, hết sức bình tĩnh. Có chuyện gì thì tôi lãnh đạn trước các bạn. Chắc chắn là như vậy, cho nên cần cố gắng trấn tĩnh lại, được không nào?” - viên cảnh sát dõng dạc.
Không được bình tĩnh như viên cảnh sát, những người có mặt phần lớn tỏ ra hoảng loạn. Bà Annie Kondoker, một kỹ sư môi trường, bị bắn 2 phát vào tay, một phát vào bụng nhưng may mắn không bị tổn thương nội tạng. “Những kẻ đó không hề nói gì trước khi nã đạn” - bà Annie kể cho chồng nghe về sự lạnh lùng của các nghi phạm xả súng.
Cùng với nỗi sợ hãi của những người mắc kẹt trong tòa nhà là sự lo lắng thắt tim của thân nhân họ bên ngoài. Nhiều người sau khi tự khóa cửa văn phòng để ẩn nấp đã vội vã dùng điện thoại liên lạc với gia đình.
Ông Terry Petit đang đứng ngồi không yên thì nhận được tin nhắn của cô con gái Holly, trong đó viết: “Mọi người bị bắn. Đang ở văn phòng chờ đợi cảnh sát. Hãy cầu nguyện cho chúng con. Con đang bị khóa ở bên trong”. Holly may mắn bình an vô sự.
Anh Marcos Aguilera (39 tuổi) cũng nhận được tin nhắn của vợ là Elaine Aguilera - một nhân viên làm việc tại IRC để giúp đỡ các em bé mắc chứng tự kỷ - với giọng điệu hết sức gấp rút: “Anh ở đâu? Cảnh sát có ở đó không?”. Marcos chỉ biết nhắn lại: “Em an toàn chứ?” và nhận được phản hồi: “Bị kẹt trong văn phòng với 3 người khác. Em yêu anh”. Cuối cùng, Elaine được đội phản ứng nhanh SWAT giải cứu. Bước ra ngoài, cô choáng váng vì nhìn thấy thi thể nằm la liệt trên sàn nhà.
Phạm Nghĩa
Đoạn video quay cảnh viên cảnh sát dẫn đám đông trong tòa nhà đến nơi an toàn. Nguồn: YouTube
Bình luận (0)