Theo Reuters, ông Mugabe cũng phản đối ý định hoà giải của một linh mục, qua đó để ông "tự do sau cuộc đảo chính của quân đội".
Linh mục này được xác định là Fidelis Mukonori – nhân vật đóng vai trò trung gian giữa ông Mugabe và các tướng lãnh quân đội, những người "bắt giữ tổng thống và bộ trưởng tài chính" hôm 15-11 để "lên nắm quyền".
Trong một cuộc điện thoại với Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma, ông Mugabe xác nhận mình bị quản thúc tại gia nhưng gia đình ông vẫn an toàn.
Binh sĩ bên ngoài quốc hội Zimbabwe ở thủ đô Harare hôm 16-11. Ảnh: REUTERS
Phát ngôn viên quân đội Zimbabwe, thiếu tướng S. B. Moyo, phủ nhận cáo buộc đảo chính và khẳng định họ chỉ đang nhắm mục tiêu vào bọn tội phạm gây ra những vấn đề về xã hội và kinh tế trong nước.
Nguồn tin không cung cấp chi tiết về quá trình hoà giải - mục đích để cho giai đoạn chuyển giao quyền lực diễn ra suôn sẻ và không có đổ máu sau khi ông Mugabe bước xuống. Vị tổng thống 93 tuổi đã lãnh đạo Zimbabwe kể từ khi nước này giành được độc lập vào năm 1980.
Cho đến nay, ông Mugabe vẫn được nhiều người châu Phi xem như một anh hùng giải phóng. Tuy nhiên, các nước phương Tây chỉ trích ông xử lý kinh tế yếu kém cũng như sẵn sàng sử dụng bạo lực để duy trì quyền lực.
Các báo cáo của Reuters tiết lộ cựu Phó Tổng thống Zimbabwe Emmerson Mnangagwa đã vẽ ra thực trạng thời "hậu Mugabe" với quân đội và phe đối lập làm chủ đất nước.
Thủ lĩnh phe đối lập Zimbabwe Morgan Tsvangirai – gần đây tới Anh và Nam Phi để chữa bệnh ung thư – hôm 15-11 đã quay trở lại thủ đô Harare.
Ngược lại với biến động chính trị đang diễn ra sau những cánh cửa đóng kín, đường phố ở thủ đô Harare vẫn bình yên. Người dân đi làm như thường lệ, trong khi binh sĩ và xe bọc thép xuất hiện tại những địa điểm quan trọng.
Bình luận (0)