Cựu Thủ tướng Zimbabwe Morgan Tsvangirai là nhân vật chủ chốt của phe đối lập chống tổng thống 93 tuổi.
Trong khi đó, theo đảng Mặt trận Yêu nước thống nhất quốc gia châu Phi Zimbabwe (Zanu-PF) cầm quyền, cựu Phó Tổng thống Emmerson Mnangagwa được cho là nhân vật sáng giá nhất lên thay ông Mugabe.
Cựu Thủ tướng Zimbabwe Morgan Tsvangirai. Ảnh: Herald.
Cựu Phó Tổng thống Emmerson Mnangagwa. Ảnh: AP
Đảng Zanu-PF từ chối đây là cuộc đảo chính quân sự, thay vào đó gọi việc chiếm quyền kiểm soát là sự "chuyển tiếp không đổ máu". Trong mắt nhiều người dân Zimbabwe, ông Mnangagwa dường như là nhà lãnh đạo được mong chờ.
Người đàn ông 75 tuổi này đã đóng vai trò quan trọng trong chính trường Zimbabwe trong nhiều thập niên qua và thỉnh thoảng có mâu thuẫn với Tổng thống Mugabe.
Ông Derek Matyszak, nhà phân tích của Viện Nghiên cứu An ninh (ISS) ở Nam Phi, nhận định: "Ông Mnangagwa đã ở bên cạnh Tổng thống Mugabe trong 50 năm. Ông ấy được xem là người thay thế ông Mugabe".
Cựu Phó Tổng thống Emmerson Mnangagwa và Tổng thống Robert Mugabe. Ảnh: AP
Trong khi đó, lãnh đạo Liên đoàn châu Phi (AU) Alpha Conde cho biết tổ chức này bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình đang diễn ra tại Zimbabwe, cũng như kêu gọi tất cả các bên liên quan kiềm chế.
Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres hôm 16-11 cũng kêu gọi bình tĩnh và kiềm chế ở Zimbabwe.
Trong khi đó, người dân Zimbabwe đang sống ở Nam Phi hy vọng động thái chiếm quyền kiểm soát của quân đội từ Tổng thống Robert Mugabe sẽ chấm dứt nạn tham nhũng, lạm quyền và kinh tế yếu kém mặc dù vẫn chưa rõ ai sẽ có trách nhiệm quản lý đất nước.
Trước đó, quân đội Zimbabwe đã chiếm quyền kiểm soát hôm 15-11 nhưng cho rằng mục tiêu là nhắm vào "tội phạm" xung quanh Tổng thống Mugabe, người điều hành Zimbabwe từ khi nước này giành độc lập vào năm 1980.
Hàng triệu người Zimbabwe đã trốn khỏi nước này, phần lớn đến Nam Phi, sau khi nền kinh tế đất nước giảm hơn 1/3 từ năm 2000 - 2008 sau sự sụp đổ của ngành nông nghiệp. Tỉ lệ thất nghiệp tăng hơn 80%.
Nhiều người Zimbabwe ở Nam Phi nói rằng họ rất vui khi cuối cùng cũng nhìn thấy sự thay đổi tại quê nhà.
Trong khi đó, Trung Quốc, nhà đầu tư lớn ở Zimbabwe những năm gần đây, đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc liên quan đến tình hình bất ổn ở nước này. Sau khi bị Tổng thống Mugabe sa thải, ông Mnangagwa được cho là đã sang Trung Quốc với sự trợ giúp của cựu đại sứ Zimbabwe tại Bắc Kinh Chris Mutsvangwa.
Những đồn đoán về sự can thiệp của Trung Quốc càng tăng khi Tư lệnh quân đội Constantino Chiwenga - đồng minh của ông Mnangagwa - bất ngờ có chuyến thăm tới Bắc Kinh hồi tuần trước. Theo hình ảnh do phía Trung Quốc công bố, ông Chiwenga được cho là đã hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn.
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định, chuyến thăm này là hoạt động giao lưu quân sự định kỳ giữa hai bên và không liên quan đến tình hình hiện tại Zimbabwe.
Bình luận (0)