Lời kêu gọi được đưa ra hôm 28-11 khi một biến thể đột biến cao - có tên là Omicron - tiếp tục lan rộng khắp thế giới, với các ca mắc mới được xác định ở Hà Lan, Đan Mạch và Úc.
Hàng chục quốc gia đã đưa Nam Phi và các nước láng giềng miền Nam châu Phi vào danh sách đen kể từ khi các nhà khoa học Nam Phi cảnh báo về biến thể mới trong tuần qua. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xem biến thể Omicron là "biến thể đáng lo ngại" có khả năng lây lan cao hơn các biến thể trước đó.
Hàng chục quốc gia đã đưa Nam Phi và các nước láng giềng miền Nam châu Phi vào danh sách đen kể từ khi các nhà khoa học Nam Phi cảnh báo về biến thể mới. Ảnh: AP
Trong bài phát biểu toàn quốc đầu tiên kể từ khi phát hiện biến thể Omicron, Tổng thống Nam Phi cho hay: "Chúng tôi kêu gọi tất cả những quốc gia đã áp đặt lệnh cấm đi lại đối với đất nước chúng tôi và các quốc gia láng giềng ở miền Nam châu Phi ngay lập tức và khẩn cấp đảo ngược quyết định đó".
Ông Ramaphosa cho rằng: "Điều duy nhất mà lệnh cấm đi lại sẽ gây ra là thiệt hại hơn nữa cho nền kinh tế của các nước vốn bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 và làm suy yếu khả năng ứng phó và phục hồi của họ sau đại dịch. Những hạn chế này là phi lý và phân biệt đối xử không công bằng đối với đất nước của chúng tôi và các nước láng giềng ở miền Nam châu Phi".
Việc ngừng hoạt động đột ngột các chuyến bay đã khiến ngành du lịch quan trọng của Nam Phi rơi vào hỗn loạn. Ông Ramaphosa cho biết "công cụ mạnh mẽ nhất" để hạn chế sự lây lan của biến thể mới là vắc-xin và kêu gọi người dân Nam Phi tiêm phòng.
Phản ứng gay gắt, Tổng thống Malawi Lazarus Chakwera hôm 28-11 cáo buộc các nước phương Tây gây ra "nỗi sợ hãi phi lý về cộng đồng người châu Phi" vì đã đóng cửa biên giới với các quốc gia láng giềng Nam Phi sau khi xuất hiện biến thể Omicron.
Tổng thống Malawi Lazarus Chakwera. Ảnh: AP
Hàng chục quốc gia đã cấm các chuyến bay từ miền Nam châu Phi trong nỗ lực ngăn chặn biến thể Omicron. Biện pháp này đã khiến nhiều lãnh đạo châu Phi giận dữ.
Ở Botswana, quốc gia miền Nam châu Phi, nơi phát hiện biến thể Omicron, hai bộ trưởng nước này đã cảnh báo về hành vi địa chính trị hóa chủng virus này. Lãnh đạo WHO ở khu vực châu Phi Matshidiso Moeti cũng tỏ ra quan ngại: "Biến thể Omicron đã được phát hiện ở một số khu vực trên thế giới, áp dụng lệnh cấm đi lại với châu Phi sẽ là đòn tấn công vào sự đoàn kết toàn cầu".
Phản ứng trước động thái của nhiều nước nhằm ngăn chặn biến thể Omicron, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã kêu gọi các nước tiếp tục mở cửa biên giới, song song với việc thực hiện các phương pháp tiếp cận dựa trên đánh giá rủi ro và khoa học.
Bình luận (0)