Ichiwa là một cửa hàng nhỏ, xây dựng bằng gỗ tuyết tùng, nằm bên cạnh một ngôi đền cổ ở Kyoto, thành phố được xem là thủ đô văn hóa của Nhật Bản và là một điểm đến du lịch yêu thích.
Ichiwa bắt đầu mở cửa bán thức ăn nhẹ cho khách hành hương trong bối cảnh người dân từ khắp Nhật Bản tuôn đến ngôi đền để cầu xin bình an giữa trận đại dịch năm 1000.
Cửa hàng Ichiwa tồn tại 1.020 năm ở Kyoto. Ảnh: The New York Times
Bây giờ đây, sau hơn một thiên niên kỷ, dịch bệnh mới - Covid-19 - đã tàn phá nền kinh tế cố đô Nhật Bản khi ngăn chặn những dòng khách du lịch đổ đến nơi này. Thế nhưng, bà Naomi Hasegawa, 60 tuổi, người điều hành cửa hàng Ichiwa, không quan tâm đến khía cạnh tài chính của doanh nghiệp mình.
Báo The New York Times nhận định: Giống như nhiều doanh nghiệp ở Nhật Bản, cửa hàng Ichiwa của gia tộc bà có tầm nhìn xa hơn. Bằng cách đặt truyền thống và sự ổn định lên trên lợi nhuận và phát triển, trong suốt hơn 1.000 năm qua, Ichiwa vẫn tồn tại dù trải qua nhiều biến cố như chiến tranh, bệnh dịch, thiên tai, cũng như nhiều triều đại và bánh bột nếp của cửa hàng vẫn giữ nguyên chất lượng như ngày nào.
Bà Naomi Hasegawa, điều hành cửa hàng Ichiwa. Ảnh: The New York Times
Nhận xét về các doanh nghiệp này, điển hình là Ichiwa, ông Kenji Matsuoka, chuyên gia tại Trường ĐH Ryukoku ở Kyoto, nhấn mạnh: "Ưu tiên số 1 của họ là tiếp tục hoạt động. Mỗi thế hệ giống như một vận động viên trong một cuộc chạy đua tiếp sức, truyền gậy cho đồng đội là điều quan trọng đối với họ".
Theo bà Hasegawa, để tồn tại suốt hơn một thiên niên kỷ, doanh nghiệp không thể chỉ chạy theo lợi nhuận, mà còn phải theo đuổi một mục đích cao hơn. Trong trường hợp của Ichiwa, đó là phục vụ khách hành hương của đền thờ.
Ichiwa phục vụ khách hành hương ngôi đền cổ bên cạnh. Ảnh: The New York Times
Hầu hết doanh nghiệp cổ xưa ở Nhật Bản, như Ichiwa, có quy mô nhỏ, được vận hành bởi các thành viên trong một gia đình, kinh doanh những món hàng và dịch vụ truyền thống. Riêng đối với Ichiwa, giá trị cốt lõi được tuân thủ ngay từ đầu là chỉ làm một việc và làm tốt công việc đó. Đây chính là phương thức tiếp cận hoạt động kinh doanh độc đáo của người Nhật.
Ichiwa nhiều lần từ chối cơ hội mở rộng phát triển, kể cả đề nghị gần đây từ Công ty Uber Eats về giao hàng trực tuyến. Bánh mochi vẫn là mặt hàng duy nhất trong thực đơn của Ichiwa và nếu khách hàng muốn uống gì đó, họ sẽ được cửa hàng lịch sự đề nghị món trà xanh ấm.
Bánh mochi được làm cầu kỳ. Ảnh: The New York Times
Ảnh: The New York Times
Ichiwa cùng với các doanh nghiệp Nhật Bản khác tồn tại lâu đời có cùng đặc điểm: không thích mạo hiểm - vốn được định hình một phần bởi các cuộc khủng hoảng trong quá khứ - và tích lũy nhiều tiền mặt.
Đó là đặc điểm chung của các doanh nghiệp Nhật Bản và là một phần lý do nước này tránh được "vết xe đổ" tỉ lệ phá sản cao của Mỹ trong cơn đại dịch. Ông Tomohiro Ota, nhà phân tích tại Tập đoàn Tài chính Goldman Sachs (Mỹ), cho rằng ngay cả khi các doanh nghiệp này "làm ăn có lời, họ vẫn không tăng chi tiêu vốn".
Ngoài ra, các doanh nghiệp nhỏ như Ichiwa thường sở hữu cơ sở vật chất của riêng mình và dựa vào các thành viên trong gia đình để có thể giảm chi phí tiền lương, cho phép họ dự trữ tiền mặt.
Ichiwa trải qua rất nhiều sóng gió trong hơn một thiên niên kỷ. Ảnh: The New York Times
Kết quả một cuộc khảo sát các công ty ít nhất 100 tuổi hồi mùa hè 2020 cho thấy hơn 25% doanh nghiệp này có đủ tiền để hoạt động trong hai năm hoặc lâu hơn nữa.
Rõ ràng, Ichiwa không hề thay đổi trước mọi biến động. Một gia tộc lớn điều hành một doanh nghiệp nhỏ. Với họ, kỹ năng duy nhất cần thiết để cho ra lò những chiếc bánh mochi phục vụ khách hàng vẫn cứ là khả năng chịu nhiệt cao.
Trong khi đó, bà Hasegawa thừa nhận đôi khi bà cảm thấy áp lực từ lịch sử của cửa hàng. Mặc dù công việc kinh doanh của Ichiwa không đem lại nhiều tiền, tất cả người trong gia tộc này ngay từ khi còn nhỏ "đã được khuyến cáo rằng chừng nào một người trong chúng tôi còn sống, chúng tôi cần phải tiếp tục".
Theo bà, lý do duy nhất "chúng tôi tiếp tục hoạt động" là "bởi vì tất cả chúng tôi không thích bị xem là "kẻ buông tay".
Ảnh chụp bà cố của bà Naomi Hasegawa đang làm việc tại cửa hàng. Ảnh: The New York Times
Bình luận (0)