Tên bé gái là Ulfat, có nghĩa là "tình yêu" trong tiếng Urdu. Bé gái nặng 2,4kg được sinh tại nhà ở huyện Reasi hôm 10-11. Ngay khi bế con trên tay, anh Latif vội vàng kiểm tra xem con gái có dị tật bất thường nào trên cơ thể hay không. Thật may mắn là bé Ulfat hoàn toàn bình thường.
Anh Latif, 32 tuổi, cho biết: "Tôi đã vô cùng lo lắng về khuôn mặt của con tôi trước khi bé chào đời. Nhưng khi biết con gái xinh đẹp và khỏe mạnh thì gánh nặng bất an như được trút bỏ hết. Con tôi có khuôn mặt xinh đẹp giống như một thiên thần".
Vợ chồng anh Latif cùng đứa con gái Ulfat mới sinh khỏe mạnh. Ảnh: whatsonshenzhen
Latif cho biết con gái đã mang lại cho anh thêm niềm vui vào cuộc sống sau nhiều năm tuyệt vọng vì khuôn mặt biến dạng. Anh Latif mắc chứng rối loạn da, toàn bộ khuôn mặt bị bao phủ bởi nhiều khối thịt, khiến cho anh không nhìn thấy gì.
Anh chia sẻ: “Tôi muốn quên đi cuộc sống trong quá khứ đau buồn. Trở thành người cha tốt là chương mới trong cuộc đời tôi. Tôi sẽ tận hưởng hạnh phúc này và dành nhiều sự quan tâm cho đứa con bé bỏng. Tôi không còn quan tâm quá nhiều về mình nữa”.
Chị Salima, người phụ nữ 25 tuổi bị tật nguyền chân bẩm sinh, kết hôn với anh Latif vào tháng 8-2008. Trước đó, anh Latif gặp nhiều khó khăn để tìm kiếm một người vợ cho mình. Nhưng đến khi gặp Salima, họ cảm nhận được như thuộc về nhau và quyết định tiến đến hôn nhân.
Khi Salima phát hiện ra mình đã mang thai, vợ chồng anh nhiều đêm không ngủ được vì lo lắng. Latif kể: "Chúng tôi luôn muốn có con nhưng ai cũng lo sợ. Cuối cùng, vợ tôi cũng có tin vui. Tôi thường cầu nguyện đứa trẻ sinh ra được khỏe mạnh. Tôi không quan tâm đứa bé là trai hay gái miễn là nó không bị dị tật gì. Thời khắc đặc biệt khi tôi nghe tiếng khóc chào đời của con gái, tim tôi tràn ngập hạnh phúc".
Vợ chồng anh muốn có thêm con, nhưng vấn đề tài chính của họ không cho phép. ”Tôi cảm ơn ông trời vì đã ban cho chúng tôi đứa con gái xinh đẹp. Dù muốn sinh thêm con nhưng tôi không kiếm được đủ tiền để nuôi chúng. Không có cha mẹ nào lại muốn con cái mình bị tật nguyền hoặc phải chịu thiếu thốn cả” - Latif nói.
Chứng rối loạn nói trên khiến anh Latif không thể tìm được việc làm nên anh đành phải đi khất thực để có tiền lo cho gia
đình. Khoảng vài tháng mỗi năm anh lại tới thành phố Srinagar, bang Kashmir đi xin để kiếm đủ tiền gửi về nhà. “Tôi không muốn xa con gái nhưng tôi không có nhiều sự lựa chọn. Tôi sẽ phải đi xin vào đầu năm tới. Tôi phải kiếm đủ tiền để nuôi gia đình mình và đó là cách duy nhất mà tôi có thể làm được” - anh Latif tâm sự.
Chị Salima nói anh Latif là một người chồng tốt và tin rằng anh cũng sẽ trờ thành một người cha tuyệt vời. "Dù anh ấy có trông như thế nào tôi vẫn muốn lấy anh và không bao giờ hối tiếc vì được là vợ anh. Khuôn mặt của anh là do ý trời, chúng tôi không thể làm gì khác ngoài chấp nhận và sống cuộc sống của chúng tôi. Nhưng điều may mắn là con gái chúng tôi khỏe mạnh. Những lời nguyện cầu của chúng tôi đã được đền đáp. Giờ đây chúng tôi sẽ sống thật hạnh phúc vì không còn phải lo lắng nữa" - chị Salima nói thêm.
Bình luận (0)