Đây là con số được đưa ra tại hội nghị thường niên của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) diễn ra tại khu nghỉ dưỡng Cancun - Mexico trong ngày 5 và 6-6.
Tại đây, các quan chức hàng không đã bàn giải pháp đối phó sau khi thiết bị điện tử có kích thước lớn hơn điện thoại thông minh bị cấm trên khoang hành khách của một số chuyến bay đến Mỹ. Một lệnh cấm tương tự ở quy mô toàn cầu nhiều khả năng tác động tiêu cực đến hiệu suất làm việc, thời gian đi lại của hành khách, lịch trình các chuyến bay trong lúc làm phát sinh chi phí thuê mượn máy tính xách tay. Theo ước tính, lệnh cấm có thể ảnh hưởng khoảng 300.000 hành khách và 786.000 chuyến bay mỗi năm.
Tổng giám đốc IATA Alexandre de Juniac kêu gọi tăng cường hợp tác giữa các hãng hàng không và chính phủ để bảo đảm tốt hơn cho an ninh của các chuyến bay, thay vì chỉ nhằm vào việc cấm thiết bị điện tử lớn.
Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, các hãng hàng không đang hướng đến việc siết chặt kiểm tra thiết bị điện tử được mang lên máy bay, bên cạnh những biện pháp tức thì khác như tăng cường huấn luyện nhân viên và "soi" hành khách thuộc diện khả nghi dựa trên dữ liệu đi lại.
Về lâu dài, theo tổ chức đại diện cho 275 hãng hàng không nói trên, giải pháp hiệu quả cho mối đe dọa đánh bom ngày càng tăng nhằm vào máy bay chính là những công nghệ tiên tiến giúp phát hiện chất nổ nhanh và hiệu quả hơn.
Các quan chức hàng không trao đổi tại hội nghị thường niên của IATA hôm 5-6 Ảnh: Reuters
Tại hội nghị, ông Oscar Munoz, Giám đốc điều hành hãng United Airlines (Mỹ), cho biết Washington đang lo lắng về nguy cơ chất nổ ngụy trang như máy tính xách tay có thể được kích hoạt trực tiếp ngay trên khoang hành khách của máy bay. Cũng theo ông Munoz, nhà chức trách Mỹ tin rằng nguy cơ kích hoạt thiết bị nổ từ xa là không cao nên sẽ an toàn hơn nếu để thiết bị điện tử lớn trong hành lý ký gửi.
Dù vậy, một số quan chức cảnh báo về rủi ro từ trường hợp pin máy tính xách tay để trong hành lý ký gửi trở nên quá nóng. "Tôi nghĩ rằng nguy cơ lớn hơn khi có 40-50 máy tính xách tay trong khoang hành lý ký gửi" - ông Peter Bellew, Giám đốc điều hành hãng Malaysia Airlines, lo ngại.
Trong một động thái khác có thể tác động đến ngành công nghiệp hàng không, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 5-6 đề xuất kế hoạch tư nhân hóa hệ thống kiểm soát không lưu của đất nước, được cho là sẽ giúp các chuyến bay đúng giờ và an toàn hơn.
Ý tưởng chuyển hoạt động kiểm soát không lưu khỏi Cơ quan Hàng không Liên bang (FAA) nhận được sự ủng hộ của hầu hết hãng hàng không nhưng lại bị nhiều thành viên Đảng Dân chủ và một số thành viên Đảng Cộng hòa phản đối.
Thủ lĩnh phe Dân chủ tại Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi lo ngại kế hoạch này sẽ trao quyền kiểm soát một trong những tài sản công quan trọng nhất nước cho các nhóm lợi ích đặc biệt và hãng hàng không lớn.
Bình luận (0)