Dù vậy, hai bên cho biết vẫn đang cân nhắc những biện pháp khác, cũng như đồng ý tiếp tục bàn thảo và tăng cường chia sẻ thông tin tình báo trong nỗ lực đối phó các mối đe dọa nhằm vào an ninh hàng không.
Giới chức Liên minh châu Âu (EU) đang hy vọng nhận được thông tin chi tiết từ Mỹ về mối đe dọa dẫn đến đề xuất mở rộng lệnh cấm được ban hành hồi tháng 3 qua. Khi đó, những thiết bị "có kích thước lớn hơn điện thoại thông minh" đã bị cấm mang lên khoang hành khách của các chuyến bay đến Mỹ từ 8 nước Thổ Nhĩ Kỳ, Morocco, Jordan, Ai Cập, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất, Qatar, Ả Rập Saudi và Kuwait. Quyết định này xuất phát từ nỗi lo bọn khủng bố có thể giấu bom trong những thiết bị nói trên.
Các hãng hàng không Trung Đông gặp khó bởi lệnh cấm máy tính xách tay trên khoang hành khách một số chuyến bay đến Mỹ Ảnh: EPA
Sau khi có thông tin lệnh cấm có thể mở rộng đối với các chuyến bay từ châu Âu đến Mỹ, Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) hôm 16-5 gửi thư cho cả Bộ Ngoại giao Mỹ và EU để phản đối. Tổ chức đại diện 265 hãng hàng không này cảnh báo lệnh cấm nếu được thực thi sẽ tác động mạnh đến kinh tế và khiến hành khách thiệt hại đến 1,1 tỉ USD (vì công việc bị ảnh hưởng, thời gian đi lại dài hơn…).
Nghiêm trọng hơn, theo tổ chức Business Travel Coalition (BTC), một lệnh cấm như thế sẽ tạo ra "cơn sóng thần kinh tế". Khi đó, rủi ro kinh tế đối với các hãng hàng không, ngành công nghiệp du lịch có thể còn lớn cả mối đe dọa dịch bệnh, núi lửa hoặc chiến tranh. Theo hãng tin AP, mỗi năm ước tính có đến 65 triệu người đi lại giữa châu Âu và Bắc Mỹ trên gần 400 chuyến bay hằng ngày. Nhiều hành khách là người đi công tác, cần sử dụng thiết bị để làm việc trong thời gian bay.
Không chỉ hành khách mà các hãng hàng không cũng có nguy cơ thiệt hại kinh tế. Bài học đã có từ lệnh cấm đầu tiên khi các hãng hàng không Trung Đông đang chịu không ít tổn thất. Emirates, hãng hàng không lớn nhất khu vực này, gần đây cho biết lệnh cấm đã làm giảm nhu cầu bay đến Mỹ, cũng như khiến chi phí hoạt động gia tăng từ việc cho hành khách mượn máy tính xách tay dùng trên các chuyến bay.
Ngoài chuyện gây phiền toái và thiệt hại kinh tế, đề xuất cấm thiết bị điện tử còn làm dấy lên thắc mắc về vấn đề an toàn. Nỗi lo ở đây là lệnh cấm được sử dụng để giải quyết mối đe dọa khủng bố nhưng lại có thể làm gia tăng một nguy cơ thậm chí nghiêm trọng hơn: hỏa hoạn. Ông Steve Landells, chuyên gia của Hiệp hội Phi công hàng không Anh, cảnh báo nguy cơ pin lithium bị cháy nếu thiết bị điện tử lớn được để trong khoang hành lý ký gửi. Hỏa hoạn ở khu vực này sẽ không được xử lý nhanh như ở khoang hành khách. Đó là lý do IATA đề xuất tăng cường kiểm tra trước chuyến bay thay vì buộc hành khách rời xa thiết bị điện tử của mình.
Bình luận (0)