Theo phát ngôn viên cảnh sát TP Atlanta Carlos Campo, ít nhất 3 nhân viên công vụ bị thương và nhiều kẻ quá khích bị bắt giữ sau khi người biểu tình bắn súng hơi, ném gạch, chai và dao vào lực lượng an ninh.
Làn sóng biểu tình trên diễn ra sau cái chết của người đàn ông da màu tên George Floyd tại TP Minneapolis, bang Minnesota. Ông Floyd bị một cảnh sát da trắng tên Derek Chauvin, 44 tuổi, chẹt đầu gối vào cổ dẫn đến tắc thở. Hôm 29-5, Derek Chauvin đã bị bắt và buộc tội giết người. Ba cảnh sát khác liên quan đến vụ việc dự kiến cũng bị buộc tội.
Một xe cảnh sát bị đốt cháy ở TP Atlanta, bang Georgia - Mỹ hôm 29-5 Ảnh: REUTERS
Dù vậy, vụ bắt giữ trên không đủ xoa dịu người biểu tình tại nhiều nơi. Riêng ở TP Minneapolis, Thị trưởng Jacob Frey đã áp đặt lệnh giới nghiêm vào ban đêm trong các ngày 29 và 30-5 sau khi các cuộc biểu tình leo thang thành bạo động. Khoảng 500 binh sĩ Vệ binh Quốc gia được huy động tại TP Minneapolis và các thành phố lân cận. Ngoài ra, Lầu Năm Góc đã ra lệnh cho quân đội chuẩn bị triển khai một số đơn vị quân cảnh tới TP Minneapolis, động thái hiếm hoi từ trước đến nay.
Vệ binh Quốc gia cũng được huy động để đối phó đám đông người biểu tình tập trung bên ngoài Nhà Trắng, cố gắng vượt qua rào chắn do Cơ quan Mật vụ Mỹ dựng lên. Một số người đã ném chai lọ và các vật thể khác vào lực lượng chống bạo động, buộc họ phải trấn áp bằng hơi cay.
Tại TP Detroit, một thanh niên 19 tuổi thiệt mạng do bị trúng đạn trong lúc tham gia biểu tình. Còn tại TP Portland, người biểu tình tấn công trụ sở cảnh sát và phóng hỏa. Trụ sở cảnh sát ở TP Richmond cũng bị phóng hỏa và một chiếc xe buýt bị thiêu rụi. Trong khi đó, video đăng tải trên mạng xã hội cho thấy cảnh sát TP New York sử dụng dùi cui trấn áp người biểu tình. Biểu tình còn nổ ra ở TP Houston, nơi ông Floyd lớn lên, cùng TP Los Angeles và TP Oakland. Tại TP San Jose, Thị trưởng Sam Liccardo cho biết người biểu tình liên tục đụng độ với cảnh sát khiến họ phải bắn đạn cao su và ném lựu đạn gây choáng.
Bình luận (0)