Trước việc người biểu tình đã đập vỡ cửa, xâm nhập và phóng hỏa đồn cảnh sát ở thành phố Minneapolis thuộc bang Minnesota trong những đêm gần đây, các quan chức cảnh báo người biểu tình rằng họ đang tự đặt mình vào nguy cơ nhiễm dịch bệnh. Thống đốc Tim Walz của bang Minnesota ngày 30-5 cho biết có quá nhiều người biểu tình không đeo khẩu trang, không thực hiện giãn cách xã hội.
Các chuyên gia y tế lo rằng những đối tượng mang mầm bệnh không triệu chứng có thể lây nhiễm cho người khác giữa đám đông chật cứng và có nhiều người không đeo khẩu trang. Thậm chí, ngay cả đối với nhiều người biểu tình đeo khẩu trang, họ cũng chưa chắc được bảo vệ hoàn toàn.
Theo Thống đốc bang Minnesota Tim Walz, đó là chưa kể đến chuyện nhiều người biểu tình đeo khẩu trang chỉ đơn giản là cố gắng che giấu danh tính và kích động thêm hỗn loạn. Nhận địn về tình huống hiện nay, Thị trưởng thành phố Minneapolis Jacob Frey cho rằng: "Chúng ta đang bị kẹp giữa 2 cuộc khủng hoảng".
Ít nhất 7 bang tại Mỹ cùng thủ đô Washington D.C đã đề nghị Vệ binh Quốc gia tham gia ứng phó biểu tình. Ảnh: Reuters
Ủy viên y tế bang Minnesota từng cảnh báo rằng các cuộc biểu tình lớn gần như chắc chắn sẽ xuất hiện thêm các trường hợp mới nhiễm Covid-19. Bang Minnesota đã báo cáo 35 trường hợp tử vong vào ngày 28-5, số ca tử vong trong ngày ở mức cao nhất kể từ khi dịch bùng phát, tiếp đó có thêm 29 ca tử vong vào ngày 29-5.
Một phụ nữ da màu tên Spence Ingram (25 tuổi), người tham gia tuần hành đến Tòa thị chính Atlanta, thừa nhận: "Quả thật không hề an toàn khi ra ngoài, mạo hiểm mạng sống giữa đại dịch".
Spence Ingram cho biết cô bị hen suyễn và lo lắng về việc nhiễm Covid-19. "Thế nhưng tôi phải lên tiếng và chiến đấu vì cuộc sống của mình" – cô Ingram nói rằng luôn cảm thấy rằng luôn có nỗi ám ảnh đối với cảnh sát.
Thị trưởng Thành phố Atlanta, thủ phủ bang Georgia, phải tuyên bố lệnh giới nghiêm có hiệu lực từ 21 giờ đêm 30-5 (giờ địa phương) cho đến rạng sáng ngày hôm sau. Ảnh: Reuters
Làn sóng phản ứng kịch liệt trước cái chết của người đàn ông da màu George Floyd tại TP Minneapolis, bang Minnesota đã lan rộng trên khắp nước Mỹ, bao gồm các thành phố Minneapolis, Louisville, Atlanta, thủ đô Washington, DC...
Lần đầu tiên sau Chiến tranh thế giới thứ 2, bang Minnesota huy động Vệ binh Quốc gia ở quy mô toàn diện, một số địa phương tại Mỹ ra lệnh giới nghiêm trước nguy cơ biểu tình leo thang bạo lực.
Ba quan chức quốc phòng đã xác nhận với CNN rằng các đơn vị cảnh sát quân sự tại ba căn cứ của Mỹ (bao gồm Fort Riley ở Kansas, Fort Bragg ở Bắc Carolina và Fort Drum ở New York) đã nhận được lệnh "chuẩn bị triển khai" đến Minneapolis nếu Thống đốc bang Minnesota Tim Walz yêu cầu liên bang hỗ trợ.
Giữa lúc xảy ra chạm trán giữa người biểu tình và cảnh sát ở một số nơi, Tổng thống Donald Trump hôm 30-5 tuyên bố chính quyền của ông sẽ chấm dứt cái mà ông gọi là "đám đông bạo lực" ở các thành phố nước này.
Tổng thốngTrump nhấn mạnh: "Đám đông đang tàn phá cuộc sống và phá hủy giấc mơ của những người tốt. Sẽ không có tình trạng hỗn loạn. Nền văn minh phải được trân trọng và bảo vệ. Tiếng nói của những công dân tuân thủ pháp luật phải được lắng nghe".
Người biểu tình tại Miami tập trung gần trụ sở chính của cảnh sát. Ảnh: Reuters
Nhiều người biểu tình tập trung bên ngoài Nhà Trắng và công viên Lafayette gần đó, thậm chí đụng độ với Mật vụ Mỹ đêm 29 và rạng sáng 30-5 (giờ địa phương).
Các cuộc biểu tình về vụ cảnh sát giết người đàn ông da màu George Floyd lan nhanh vào thời điểm nhiều thành phố bắt đầu nới lỏng các quy định giãn cách xã hội, các cửa hàng mở cửa trở lại.
Mỹ bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt bùng phát dịch Covid-19, với hơn 1,7 triệu trường hợp nhiễm dịch và hơn 103.000 ca tử vong, theo thống kê mới nhất của trường Đại học Johns Hopkins.
Bình luận (0)