Bộ trưởng Esper phát biểu trong cuộc họp báo tại Lầu Năm Góc: "Việc dùng quân đội thực thi vai trò hành pháp chỉ nên được sử dụng như là phương án cuối cùng và chỉ áp dụng trong những tình huống cấp bách, khốc liệt nhất. Chúng ta vẫn chưa rơi vào tình huống như thế. Tôi không ủng hộ viện dẫn luật chống nổi loạn và nổi dậy trong trường hợp này".
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói rằng vụ cảnh sát Minneapolis khống chế ông George Floyd đến chết là hành vi "giết người" và là "tội ác khủng khiếp". Ông Esper thừa nhận "tình trạng kỳ thị chủng tộc là hiện thực ở Mỹ, chúng ta đều phải cố gắng hết sức để thừa nhận, đương đầu và xoá bỏ nó".
Người biểu tình và cảnh sát bắt tay trong một cuộc biểu tình kêu gọi công lý trước cái chết của George Floyd tại New York. Ảnh: AP
Các quan chức quốc phòng Mỹ nói rằng có một sự khó chịu gia tăng trong Lầu Năm Góc về cách Tổng thống Donald Trump xử lý biểu tình ngay cả trước khi tổng thống tuyên bố sẵn sàng điều quân đội để dẹp biểu tình hôm 1-6. Hai quan chức Nhà Trắng nói với NBC News rằng Tổng thống Trump cho đến hiện tại dường như vẫn giữ ý định điều động quân đội Mỹ để nhanh chóng xử lý nạn cướp bóc và bạo loạn.
Người biểu tình 'nằm chết như George Floyd' gây tắc cả cây cầu
Một số nguồn thạo tin cho biết ông Trump và một số quan chức cấp cao khác trong chính quyền, trong đó có Cố vấn an ninh quốc gia Robert O’Brien "không hài lòng" với bình luận của ông Esper.
Trả lời câu hỏi của phóng viên liệu Tổng thống Trump có còn tin tưởng ở người đứng đầu Lầu Năm Góc sau bình luận này không, Thư ký báo chí Nhà Trắng Kayleigh McEnany nói: "Bây giờ Bộ trưởng Esper vẫn là Bộ trưởng Esper. Còn việc liệu tổng thống còn tin tưởng ở ông ấy hay không, tôi có thể nói là nếu tổng thống không còn tin tưởng Bộ trưởng Esper, tôi chắc chắn quý vị sẽ là người đầu tiên được biết điều đó".
Trong bối cảnh hiện nay, Bộ Quốc phòng Mỹ đã lên kế hoạch dự phòng về việc huy động lực lượng tại ngũ nếu cần thiết. Lầu Năm Góc cho thấy có kế hoạch huy động binh lính từ một đơn vị lục quân để bảo vệ Nhà Trắng và các toà nhà khác của chính quyền liên bang nếu tình hình an ninh ở thủ đô Washington DC xấu đi và lực lượng Vệ binh Quốc gia không thể bảo vệ những vị trí này.
Từ trái sang phải: Tou Thau, Alexander Kueng, Thomas Lane. Ảnh: ABC News
Về phần cảnh sát bị buộc tội trong vụ giết George Floyd, các công tố viên truy tố tội danh nghiêm khắc hơn, bao gồm buộc tội thêm ba người và nâng tội danh với Derek Chauvin. Như vậy, Derek Chauvin, viên cảnh sát đè đầu gối vào cổ George Floyd, hiện đối mặt với cáo buộc giết người cấp độ hai, thay vì bị truy tố tội giết người cấp độ 3 và ngộ sát do bất cẩn như trước đây vài ngày.
Ba cảnh sát khác tại hiện trường (gồm Thomas Lane, J. Kueng và Tou Thau) bị buộc tội hỗ trợ và tiếp tay cho tội giết người cấp độ hai. Cả bốn cảnh sát vừa nêu đã bị sa thải tuần trước. Theo ABC News, hình phạt tối đa cho mỗi người tối đa 10 năm tù.
Đối với việc bị truy tố tội giết người cấp độ 2, người bị kết tội có thể đối diện với mức phạt tối đa 40 năm tù. Trong khi đó, tội giết người cấp độ 3 lãnh tối đa 25 năm tù.
Các cáo buộc mới được Tổng chưởng lý bang Minnesota Keith Ellison ủng hộ. Ông này gọi các cuộc biểu tình sau cái chết của George Floyd là "cần thiết" và nói rằng việc kết án được sẽ gặp khó khăn, áp lực công chúng không ảnh hưởng đến quyết định của ông.
Bình luận (0)