Dự luật Dân chủ và Nhân quyền Hồng Kông (HKHRDA) được Thượng viện Mỹ thông qua trong bối cảnh xung đột leo thang giữa người biểu tình và cảnh sát Hồng Kông. Tiếp đến, HKHRDA sẽ được chuyển sang Hạ viện Mỹ - vốn cũng đã thông qua một dự luật tương tự vào tháng rồi.
Thượng viện Mỹ hôm 19-11 thông qua dự luật ủng hộ dân chủ và nhân quyền ở Hồng Kông
Theo Reuters, 2 cơ quan lập pháp này sẽ phải giải quyết những điểm khác biệt trước khi đệ trình dự luật để Tổng thống Donald Trump xem xét. Hiện Nhà Trắng vẫn chưa lên tiếng về việc liệu Tổng thống Trump sẽ ký kết hay bác bỏ dự luật nêu trên. Một quan chức giấu tên của Mỹ khẳng định ông chủ Nhà Trắng vẫn chưa đưa ra bất cứ quyết định nào.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ vẫn chưa bình luận về động thái nêu trên của Thượng viện Mỹ.
Biểu tình phản đối chính quyền Hồng Kông hôm 19-11. Ảnh: EPA
Nếu trở thành luật, HKHRDA sẽ yêu cầu ngoại trưởng Mỹ xác định, ít nhất mỗi năm 1 lần trong 7 năm tới, liệu Hồng Kông còn đủ tự trị để được hưởng quy chế đặc biệt theo luật pháp Mỹ hay không. Dự luật này cũng mở lối cho các biện pháp trừng phạt nhằm vào những cá nhân bị Washington xác định là vi phạm nhân quyền ở Hồng Kông.
Khi thành luật, HKHRDA sẽ đảm bảo dân chủ và tự trị cho Hồng Kông, cũng như trừng phạt bất cứ cá nhân nào vi phạm nhân quyền ở Hồng Kông, Lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Mỹ Chuck Schumer nhấn mạnh.
Lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Mỹ Chuck Schumer khẳng định HKHRDA là "một thông điệp gửi đến Trung Quốc". Ảnh: Reuters
Tình hình Hồng Kông tiếp tục leo thang căng thẳng vì các cuộc đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát, trong đó có cuộc đụng độ đang diễn ra tại Trường ĐH Bách khoa Hồng Kông nơi cảnh sát cô lập khoảng 100 sinh viên biểu tình cực đoan và bắt giữ hơn 1.100 người.
Hôm 19-11, một số sinh viên biểu tình tuyệt vọng đã tìm đường thoát ra ngoài bằng cống thoát nước của trường. Trong khi đó, hàng chục người tìm cách thoát thân bằng cách đu dây từ cầu xuống đường để được những người lái xe máy đến đưa đi.
Cảnh sát cho biết 37 đối tượng đu dây và lái xe sau đó đã bị bắt giữ nhưng nhiều người được cho là đã trốn thoát.
Sinh viên biểu tình chui xuống cống để thoát khỏi khuôn viên Trường ĐH Bách khoa Hồng Kông - nơi đụng độ diễn ra từ ngày 17-11. Ảnh: Reuters
Số khác đu dây để thoát ra ngoài. Ảnh: Reuters
Bình luận (0)