Làn sóng biểu tình chống chính phủ tại Libya đã lan đến thủ đô Tripoli khi người biểu tình và lực lượng an ninh đụng độ từ đêm 20-2 đến rạng sáng 21-2 (giờ địa phương).
Các nhân chứng cho hãng tin AP biết người biểu tình đã kéo đến quảng trường Green và những quảng trường gần đó ở Tripoli từ đêm 20-2.
Sau đó, lực lượng an ninh đã bắn đạn và hơi cay về phía người biểu tình. Đài BBC đưa tin rằng lính cứu hỏa đã cố dập lửa từ một số tòa nhà chính phủ và Quốc hội bị đốt.
Ông Saif al-Islam Gaddafi cảnh báo về nguy cơ nội chiến ở Libya trên truyền hình hôm 20-2. Ảnh: Reuters
Cũng trong ngày 21-2, khoảng 500 người Libya đã xông vào cướp bóc một công trình xây dựng của Hàn Quốc nằm cách Tripoli 30 km về phía Tây, làm 3 người Hàn Quốc và 15 người Bangladesh bị thương.
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nói hiện chưa rõ vụ việc có liên quan trực tiếp đến cuộc nổi dậy ở Libya hay không. Trong khi đó, tại thành phố Benghazi, một số cư dân cho hãng tin Reuters biết người biểu tình đã kiểm soát được các đường phố vào sáng 21-2 sau vài ngày xung đột đẫm máu với lực lượng an ninh.
Chứng kiến các cuộc biểu tình chống chính phủ ngày càng lan rộng, Saif al-Islam Gaddafi, con trai nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi, đã lên tiếng khẳng định rằng cha của ông vẫn là người lãnh đạo đất nước và đang nhận được sự ủng hộ của quân đội.
Phát biểu trên đài truyền hình tối 20-2, Saif al-Islam Gaddafi tuyên bố: “Chúng ta không phải là Tunisia và Ai Cập. Muammar Gaddafi, nhà lãnh đạo của chúng ta, đang chỉ huy trận chiến ở Tripoli... Chúng ta sẽ chiến đấu cho đến người đàn ông cuối cùng, người phụ nữ cuối cùng, viên đạn cuối cùng...”.
Tuyên bố này được xem như là một lời phủ nhận thông tin ông Muammar Gaddafi đã chạy sang Venezuela sống lưu vong.
Bên cạnh đó, ông Saif al-Islam Gaddafi cảnh báo đất nước có thể rơi vào nội chiến, đồng thời cáo buộc các vụ biểu tình chống chính phủ hiện nay là một âm mưu của nước ngoài.
Ông cũng chỉ trích giới truyền thông nước ngoài đã thổi phồng số người thiệt mạng trong cuộc nổi dậy. Con số thương vong mà ông Saif al-Islam Gaddafi đưa ra là 84 người.
Trong khi đó, theo các quan chức y tế và tổ chức nhân quyền, ít nhất 223 người đã thiệt mạng trong 6 ngày biểu tình. Dù vậy, trong nỗ lực xoa dịu tình hình, ông Saif al-Islam Gaddafi đã cam kết tiến hành đối thoại về vấn đề cải cách và tăng lương.
Trong một đòn giáng mạnh vào chế độ của ông Muammar Gaddafi, bộ tộc Warfla lớn nhất Libya đã lên tiếng ủng hộ các cuộc biểu tình chống chính phủ.
Trong khi đó, người đứng đầu bộ tộc Al-Zuwayya ở miền Đông hôm 20-2 dọa sẽ cắt việc xuất khẩu dầu sang các nước phương Tây nếu chính quyền không chấm dứt việc “đàn áp người biểu tình”. Ngoài ra, Đại sứ Libya ở Ấn Độ Ali al-Essawi cho đài BBC biết ông đã từ chức để phản đối sự trấn áp người biểu tình.
Ông Abdel-Monem al-Houni, đại diện của Libya ở Liên đoàn Ả Rập, cũng quyết định từ chức để tham gia “cuộc cách mạng của người dân”.
Tương tự, cộng đồng quốc tế cũng bày tỏ sự lo ngại trước sự leo thang bạo lực ở Libya. Chính phủ Mỹ lên án việc chính quyền Libya sử dụng vũ lực chống lại người biểu tình. Trong khi đó, châu Âu thúc giục Libya chấm dứt đàn áp bạo lực đối với người biểu tình và lắng nghe yêu cầu của họ.
Libya đe dọa ngưng hợp tác với EU
Ngoại trưởng các nước Liên hiệp châu Âu (EU) đã lên án chính quyền Libya về các biện pháp trấn áp người biểu tình phản đối chính quyền trong dự thảo tuyên bố chung được đồng thuận tại một hội nghị ở Brussels hôm 21-2.
Theo hãng tin Reuters, tuyên bố chung lên án việc đàn áp các cuộc biểu tình phản đối ôn hòa ở Libya, bày tỏ thương tiếc đối với thường dân thiệt mạng. Trước đó, đại diện Ngoại vụ Cấp cao EU Catherine Ashton bày tỏ lo ngại về các trường hợp người biểu tình tử vong do bị lực lượng an ninh đàn áp, chia buồn với gia đình và bạn bè của nạn nhân. Ngoài Libya, các ngoại trưởng EU cũng thảo luận về làn sóng biểu tình lan rộng tại Bắc Phi và Vùng Vịnh.
Đáp lại lời lên án này, chính quyền Libya đe dọa ngưng hợp tác với EU trong việc ngăn chặn làn sóng người nhập cư lậu đến châu Âu – họ thường tập kết ở vùng bờ biển phía Bắc Tunisia và Libya để đi đến các đảo ngoài khơi nước Ý. Rome cũng có nhiều quan hệ thương mại với Libya – nhất là trong lĩnh vực năng lượng – nên Ngoại trưởng Ý Franco Frattini bày tỏ lo ngại trước diễn biến mới.
Lưu Nguyễn |
Bình luận (0)