Động thái trên diễn ra trước khi Manning dự kiến bị xét xử tại tòa án binh vào ngày 3-6 tới vì những cáo buộc nói trên. Thẩm phán tòa án binh Denise Lind đã chấp nhận việc nhận tội nói trên theo thỏa thuận giữa bị cáo và công tố viên.
Manning, 25 tuổi, đối mặt với bản án tối đa là 20 năm tù nếu bị kết tội. Theo một phán quyết đưa ra vào tháng rồi, thẩm phán Lind cho biết Manning sẽ được giảm án 112 ngày cho bất kỳ bản án nào để bù đắp việc bị ngược đãi trong thời gian bị giam giữ.
Mọi chuyện chưa phải đã xong đối với Manning. Các công tố viên giờ đây có thể cân nhắc việc chứng minh bị cáo phạm thêm những tội danh nghiêm trọng hơn, nhất là tội trợ giúp kẻ thù. Nếu bị kết thêm tội này, bản án cao nhất mà Manning có thể nhận là tù chung thân.
Binh sĩ Bradley Manning (đeo kiếng) rời tòa án hôm 28-2 Ảnh: Reuters
Xuất hiện tại tòa án ở căn cứ quân sự Fort Meade, bang Maryland, hôm 28-2, Manning lý giải cho hành động của mình: “Tôi tin rằng nếu công chúng có thể tiếp cận những thông tin mật thì có thể dẫn đến một cuộc tranh luận trong nước về vai trò của quân đội và chính sách ngoại giao nói chung”.
Manning thừa nhận đã truy cập trái phép 2 cơ sở dữ liệu quân sự quan trọng liên quan đến cuộc chiến Iraq và Afghanistan. Ngoài ra, binh sĩ này còn thừa nhận đã dùng sai mục đích số dữ liệu liên quan đến nhà tù Vịnh Guantanamo lấy được từ Bộ tư lệnh miền Nam của Mỹ, tài liệu từ Trung tâm Tình báo Quân đội Mỹ, hồ sơ từ một chiến dịch quân sự ở tỉnh Farah (Afghanistan) và nhất là 250.000 bức điện được viết bởi các nhà ngoại giao Mỹ khắp thế giới.
Manning khai ban đầu tìm cách cung cấp số tài liệu trên cho báo The Washington Post, nhưng một phóng viên ở đó không mấy hào hứng. Sau đó, anh liên lạc với báo The New York Times nhưng không nhận được phản hồi. Anh ta cũng có ý định đến văn phòng của báo Politico nhưng kế hoạch bị hủy vì thời tiết xấu. Cuối cùng, Manning quyết định cung cấp tài liệu cho WikiLeaks.
Manning bị bắt vào tháng 5-2010 trong lúc làm công việc phân tích tình báo ở Iraq. Người này bị buộc tội tải trái phép hàng ngàn tài liệu tình báo, ngoại giao và video chiến đầu rồi gửi chúng cho WikiLeaks. Cũng vào năm đó, WikiLeaks bắt đầu công bố những bí mật liên quan đến chính phủ Mỹ, làm kinh ngạc các nhà ngoại giao khắp thế giới. Giới chức Mỹ đã phẫn nộ trước hành động trên vì cho rằng an ninh quốc gia đã bị tổn hại trong lúc sinh mạng nhiều người Mỹ lâm nguy.
Bình luận (0)