"Chúng ta đã có một chuyến đi thành công vang dội. Đã thực hiện một lượng công việc khổng lồ về thương mại, không chỉ là các bản hợp đồng trị giá ít nhất 300 tỉ USD mà chúng tôi có được mà theo tôi, đó còn là cách để gấp 3 con số đó trong thời gian ngắn" - hãng thông tấn AP dẫn lời ông chủ Nhà Trắng nói với báo giới tại Manila - Philippines hôm 14-11 trước khi lên đường về nước.
Tổng thống Mỹ Donald Trump chuẩn bị lên chiếc Không lực Một tại sân bay quốc tế Ninoy Aquino ở Manila - Philippines hôm 14-11 để về nhà Ảnh: REUTERS
Theo đánh giá của đài CNN, nếu mục đích chính của Tổng thống Donald Trump khi thăm Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam và Philippines là để tăng cường quan hệ với các quốc gia này thì chuyến công du có thể nói là rất thành công.
Thời gian ở châu Á làm tăng hình ảnh người đứng đầu nước Mỹ như một nhà lãnh đạo thiện cảm, thậm chí hơn cả so với ở trong nước, nơi ông đang đối mặt tỉ lệ ủng hộ thấp kỷ lục và cuộc điều tra liên quan tới Nga đang sờ gáy nhiều nhân vật thân cận nhất.
Ở mỗi điểm dừng chân, Tổng thống Mỹ nhận được sự đón tiếp nồng nhiệt với các nghi lễ trang trọng, bên cạnh đó là những lời ca ngợi trong các cuộc họp báo chung với lãnh đạo các nước chủ nhà. Thậm chí, cả Triều Tiên cũng không tỏ ra quá khích - không thử bất kỳ tên lửa nào trong thời gian ông Donald Trump ở châu Á - dù vẫn có những tuyên bố cứng rắn nhằm vào Mỹ.
Dù cũng nhìn nhận chuyến công du của tổng thống Mỹ thành công ngoài mong đợi nhưng chuyên gia bình luận Julian Broger của báo Guardian cho rằng chính sách châu Á của ông chủ Nhà Trắng vẫn chưa rõ ràng.
Chiến lược chung của Washington với khu vực này mang tên "Ấn Độ - Thái Bình Dương mở và tự do" - cụm từ xuất hiện không ít lần trong bài phát biểu của ông Donald Trump tại Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 ở Việt Nam và để đạt được mục tiêu đó, chuyến công du đã đánh dấu sự hồi sinh của cái gọi là "Bộ Tứ" - liên kết giữa 4 nước Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc.
Giới chức cấp cao của 4 nước đã gặp gỡ bên lề Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN ở Manila lần đầu tiên trong một thập kỷ. Tuy nhiên, theo ông Broger, chưa rõ nhóm liên kết này sẽ hành động ra sao để đối trọng với sức mạnh đang trỗi dậy của Trung Quốc trong khu vực và làm thế nào nó dung hòa với chiến lược thương mại "nước Mỹ trên hết" của ông Donald Trump.
"Nếu mục tiêu trung tâm của chính quyền (Mỹ) là tái xác nhận cam kết và loại bỏ những lo ngại về tương lai lãnh đạo của Mỹ tại khu vực, tôi không cho rằng họ đã tháo ngòi được mối lo đó" - chuyên gia về Trung Quốc tại Hội đồng Quan hệ Quốc tế (Mỹ) Ely Ratner nhận định.
Bình luận (0)