Thế nhưng, soi bản đồ sẽ thấy chúng tạo thành eo biển Tiran, hình thành thế thắt cổ chai giữa biển Đỏ và vịnh Aqaba. Tàu thuyền muốn đến Israel và Jordan từ phía Nam đều phải xuyên qua đây.
Và những hòn đảo này đã chứng kiến rất nhiều lần đụng độ khốc liệt giữa Israel và giới Ả Rập, theo bài viết của cây bút kỳ cựu Michael J. Totten trên trang World Affairs. Năm 1950, Ả Rập Saudi nhờ Ai Cập, khi đó hùng mạnh hơn họ, giữ Tiran để tránh bị Israel chiếm đóng. Thế nhưng, điều này không cản được Israel 2 lần chiếm đảo, lần đầu trong cuộc khủng hoảng Suez năm 1956 và lần sau là cuộc chiến tranh 6 ngày năm 1967, khi Tổng thống Ai Cập Gamal Abdel Nasser đơn phương đóng eo biển Tiran.
Tuy nhiên, đó đã là quá khứ. Dân Ả Rập và Do Thái vẫn không ưa nhau nhưng Cairo và Riyadh không còn lo lắng về Tel Aviv. “Việc 2 hòn đảo về lại với Ả Rập Saudi không làm chúng tôi khó chịu” - nghị sĩ Israel Tzachi Hanegb nói. Thậm chí, theo nhiều nguồn tin, Israel đã được báo trước về các cuộc đàm phán bí mật này ngay từ đầu.
Ở vào thế khó lòng phát biểu thân thiện về Israel vì vẫn đang trong tình trạng chiến tranh trên danh nghĩa (dù phía sau hậu trường 2 bên khá thuận thảo), Ngoại trưởng Ả Rập Saudi Adel al-Jubeir chỉ nói ngắn gọn: “Có những thỏa thuận liên quan đến 2 hòn đảo đã được Ai Cập chấp nhận. Do đó, Riyadh cũng tôn trọng chúng”. Thỏa thuận được đề cập chính là hiệp ước hòa bình Ai Cập - Israel được ký vào năm 1979 tại trại David (Mỹ), trong đó bảo đảm hành trình thông suốt cho tàu thuyền Israel qua eo biển Tiran để đổi lấy việc 2 hòn đảo được trả cho Ai Cập.

“Con tép” mà Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi bỏ đi là 2 hòn đảo không đem đến lợi lộc gì, bù lại được “con tôm” trị giá hàng chục tỉ USD từ Ả Rập Saudi, bao gồm một cây cầu bắc qua biển Đỏ không chỉ nối 2 nước mà còn nối châu Á với châu Phi, một quỹ đầu tư chung khoảng 16 tỉ USD, một thỏa thuận năng lượng 22 tỉ USD…, nhờ đó chống đỡ nền kinh tế trì trệ trong nước.
Theo bài viết đăng trên trang web của Trung tâm Phi - Trung Đông (Nam Phi), nhà nghiên cứu Barak Barfi chỉ ra Ai Cập và Ả Rập Saudi đã gạt sang bên nhiều khúc mắc địa chính trị, từ việc Cairo từ chối tham gia cuộc chiến của Riyadh ở Yemen đến việc Ai Cập ủng hộ Nga can thiệp vào Syria trong khi Ả Rập Saudi thắt chặt quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ… Trong mắt Riyadh, Cairo vẫn là đồng minh quan trọng với tiềm lực quân sự và dầu mỏ đáng kể để cản trở tầm ảnh hưởng của Tehran.
Tạo mặt trận chung chống Iran chính là “con tôm” trong mẻ lưới lần này của Ả Rập Saudi và Israel. Theo bài viết trên World Affairs, Israel từng là “cột thu lôi” ở Trung Đông, khiến khối Ả Rập đoàn kết đối phó. Thời thế thay đổi - nhất là sau khi Mỹ góp phần đưa Iran trở lại thông qua thỏa thuận hạt nhân hồi năm ngoái, nay Iran mới là “cột thu lôi”, còn các cựu thù kết thành đồng minh.
“Đây chính là thất bại lớn nhất của Tehran trên phương diện ngoại giao và tuyên truyền” - tác giả Totten nhấn mạnh. Ông giải thích thêm: “Những đường đứt gãy sâu sắc nhất ở Trung Đông là giữa người Hồi giáo Sunni - Shiite và giữa người Ả Rập - Ba Tư. Vừa là quốc gia Ba Tư lẫn Shiite nên Iran rất khó sống ở khu vực. Cơ may tốt nhất, cũng có thể duy nhất, của họ là tập hợp toàn bộ người Hồi giáo, Ả Rập và Ba Tư trước kẻ thù chung: Người Do Thái”.
Đó chính là lý do sau cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979, lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Khameini rũ bỏ mối quan hệ hữu hảo với Israel để chuyển sang ủng hộ các phong trào Hồi giáo đối địch Tel Aviv là Hamas (Palestine) và Hezbollah (Lebanon). Tiếc thay, toan tính khôn khéo này ngày càng lộ rõ kết cục thất bại.
“Các diễn biến gần đây không chỉ chứng thực quan hệ khởi sắc giữa Israel và Ai Cập mà còn cho thấy mối dây dần rõ nét giữa Riyadh và Tel Aviv” - ông Simon Henderson, Giám đốc Chương trình Vùng Vịnh và Chính sách năng lượng của Viện Chính sách Cận Đông Washington (Mỹ), nhận xét.
Bình luận (0)