Thông tin đáng chú ý trên được một quan chức quốc phòng tiết lộ hôm 4-11. Theo Reuters, chuyến tuần tra này hẳn sẽ nhận được nhiều sự quan tâm giữa lúc căng thẳng về vấn đề biển Đông dâng cao.
Hiện chưa có thông tin về hành trình cụ thể của chiến hạm USS Theodore Roosevelt nói trên trong chuyến tuần tra ngày 5-11, song con tàu sân bay khổng lồ mang tên vị tổng thống nổi tiếng này của Mỹ sẽ đi vào khu vực tranh chấp ở biển Đông.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter tham dự Hội nghị bộ trưởng quốc phòng ASEAN
tại Malaysia. Ảnh: Reuters
Ông chủ Lầu Năm Góc và Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein đang tham dự hội nghị bộ trưởng quốc phòng ASEAN tại Malaysia có sự góp mặt của người đồng cấp Trung Quốc và vấn đề biển Đông là chủ đề trọng tâm gây nhiều bất đồng.
USS Theodore Roosevelt được coi là tàu sân bay hiện đại và lớn nhất của Mỹ. Tàu có chiều dài hơn 320 m. Boong tàu rộng khoảng 18.000 m vuông, là nơi cất cánh của hơn 60 máy bay chiến đấu. Đây được coi là biểu tượng sức mạnh quân sự Mỹ với với 4 đường băng cùng 4 máy phóng phi cơ. Tàu có khả năng mang theo 90 phi cơ các loại và hơn 5.000 binh sĩ.
Về việc hủy ra tuyên bố chung, ông Hishammuddin giải thích: "Đây là quyết định của ASEAN. Vì không có sự đồng thuận nên không có tuyên bố chung được ký kết".
Trước đó, theo một quan chức Philippines, Malaysia đã đồng ý đề cập biển Đông vào tuyên bố chung. Reuters đưa tin một bản copy phát biểu của Hishammuddin - đã được thu hồi sau khi phát hành nhầm cho giới truyền thông - có nội dung: ASEAN tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho các tranh chấp... và phải tránh va chạm trên vùng biển và bầu trời mở bằng mọi giá".
Trong khi đó, phát biểu tại hội nghị ASEAN, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Han Min-koo khẳng định: "Quan điểm của Hàn Quốc là phải có giải pháp hòa bình cho tranh chấp biển Đông và phải bảo đảm tự do hàng hải, hàng không".
Theo Yonhap, đây là lần đầu tiên một quan chức Hàn Quốc nhắc đến biển Đông khi có mặt cả quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ và Trung Quốc.
Bình luận (0)