Buổi tiếp diễn ra ngay sau khi ông Mattis đến thăm khu xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai sáng cùng ngày.
Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch hoan nghênh Mỹ hợp tác tẩy độc dioxin tại Việt Nam thời gian qua và nhấn mạnh cùng với sự hợp tác này, Việt Nam sẽ tiếp tục tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh.
Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch đề nghị phía Mỹ tích cực hợp tác để sớm triển khai và hoàn thành Dự án tẩy độc môi trường nhiễm dioxin tại khu vực sân bay Biên Hòa, nhằm giải phóng đất đai bị ô nhiễm, góp phần thúc đẩy kinh tế Việt Nam.
Đón Bộ trưởng Mattis tại sân bay Biên Hòa là Thiếu tướng Bùi Anh Chung, Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân. Ảnh: REUTERS
Ông Mattis tại khu xử lý môi trường ô nhiễm dioxin ở sân bay Biên Hòa. Ảnh: REUTERS
Sân bay Biên Hòa từng là một trong những kho chính chứa chất độc da cam trong thời kỳ chiến tranh. Hiện nay, ở sân bay này có khoảng 500.000 m3 đất ô nhiễm dioxin. Tại đây, Ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh Việt Nam (Ban chỉ đạo 701) cùng Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) triển khai dự án xử lý dioxin.
Theo USAID, Dự án Tổng thể xử lý triệt để dioxin tại sân bay Biên Hòa sẽ bắt đầu vào năm sau, với chi phí ước tính 390 triệu USD. Đây là cam kết được đưa ra dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama.
"Chúng tôi đã hứa và sẽ giữ lời hứa" – ông Mattis nói với phóng viên trên đường đến Việt Nam.
Ngoài sân bay Biên Hòa, hai nước Mỹ và Việt Nam đã xác định hai "điểm nóng dioxin" khác là sân bay Đà Nẵng và sân bay Phù Cát (Bình Định). Chiến dịch tẩy độc sân bay Đà Nẵng dự kiến hoàn thành vào đầu tháng 11 năm nay. Quá trình này kéo dài 5 năm với số tiền 110 triệu USD, theo USAID.
Khu vực bị nhiễm độc dioxin tại sân bay Biên Hòa. Ảnh: Reuters
Quân đội Mỹ đã rải 80 triệu lít chất độc da cam ở miền Nam Việt Nam trong khoảng thời gian 1962-1971. Tới năm 1972, nước này mới bắt đầu đưa loại chất độc này ra khỏi Việt Nam trong một chiến dịch mang tên Pacer Ivy.
Thống kê của phía Việt Nam cho thấy có tới 3 triệu người nhiễm chất độc da cam và khoảng 1 triệu trong số đó chịu ảnh hưởng nghiêm trọng về sức khỏe, bao gồm ít nhất 150.000 trẻ em chào đời với dị tật bẩm sinh. Các nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam đã khởi kiện đòi phía Mỹ bồi thường nhưng vào năm 2009, Tòa án Tối cao Mỹ không thụ lý vụ việc.
Chuyến thăm Việt Nam của ông Mattis kéo dài 2 ngày. Ông tới TP HCM vào chiều 16-10 và có cuộc gặp xã giao với Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân tối cùng ngày. Sau Việt Nam, ông Mattis bay sang Singapore để dự Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN và các cuộc họp liên quan, bắt đầu từ ngày 18-10.
Bình luận (0)