Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis thăm Việt Nam ngày 16-10 và sau đó tới Singapore để tham dự Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN.
Với việc lần thứ hai tới thăm Việt Nam trong năm nay, ông chủ Lầu Năm Góc phát đi tín hiệu chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang kiên quyết tới mức nào trong nỗ lực kiềm chế Trung Quốc ở biển Đông bằng việc kết nối với những quốc gia lân cận, theo nhận định của hãng tin AP. Động thái hiếm thấy này cũng đánh dấu những bước tiến dài trong quan hệ Mỹ - Việt Nam.
Trong lần tới Việt Nam trước đó vào tháng 1, ông Mattis đã nhấn mạnh những chỉ trích của chính quyền Mỹ đối với việc Trung Quốc triển khai tên lửa đất đối không và các loại khí tài quân sự khác ở biển Đông. Ông chủ Lầu Năm Góc cũng nhận định sự xuất hiện của các loại vũ khí này "là một động thái quân sự có mục đích đe dọa và gây hấn".
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis (phải) phát biểu tại cuộc gặp với những người đồng cấp ASEAN tại Philippines hồi tháng 10-2017 Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ
Tình hình biển Đông được dự đoán là chủ đề quan trọng tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN và hội nghị mở rộng với các đối tác Mỹ, Trung Quốc, Úc, Ấn Độ và Nhật Bản tại Singapore từ ngày 18 đến 20-10.
Theo báo South China Morning Post (Hồng Kông), những chỉ trích ngày càng gay gắt của Washington đối với các hoạt động quân sự hóa phi pháp của Trung Quốc trên biển Đông nhiều khả năng trở thành chủ đề nóng của phiên họp, đặc biệt sau khi Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence thẳng thừng lên án hành vi hung hãn của Bắc Kinh trong vụ chạm trán nguy hiểm giữa tàu khu trục Trung Quốc và tàu chiến Mỹ hôm 30-9.
"Washington có thể nhắc lại cam kết ủng hộ khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, đồng thời một lần nữa chỉ trích hành vi của Bắc Kinh trên biển Đông" - chuyên gia Aaron Rabena thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Philippines nhận định. Ông nhấn mạnh thêm: "Trong lúc quan hệ Mỹ - Trung ngày một căng thẳng, các nước ASEAN sẽ đối mặt sức ép từ cả hai phía".
Theo giới phân tích, hoạt động quân sự hóa sai trái của Bắc Kinh trên biển Đông không những khiến ASEAN lo ngại mà còn khuyến khích các đồng minh của Mỹ gồm Úc, Nhật Bản, New Zealand, Anh và Pháp hợp tác sâu rộng hơn tại khu vực.
Không chịu thua kém Mỹ, Trung Quốc cũng đẩy mạnh tìm kiếm ảnh hưởng ở Đông Nam Á. Hải quân các nước Trung Quốc, Malaysia và Singapore dự kiến tập trận tại eo biển Malacca cuối tuần này sau khi ông Mattis có mặt tại khu vực.
Theo lịch trình ban đầu, Trung Quốc cũng là điểm đến trong chuyến công du châu Á lần này của ông Mattis song kế hoạch đã bị hủy giữa lúc Washington và Bắc Kinh gia tăng căng thẳng cả trong lĩnh vực thương mại lẫn quân sự.
Trên "mặt trận" thương mại, Tổng thống Donald Trump hôm 15-10 đe dọa sẽ áp thêm một vòng thuế quan nữa lên hàng hóa Trung Quốc, đồng thời ông khẳng định vấn đề Bắc Kinh can thiệp vào chính trường Mỹ lớn hơn so với sự dính líu của Nga trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. Cho tới nay, Mỹ đã áp đặt 3 vòng thuế quan lên hàng nhập khẩu Trung Quốc trị giá tổng cộng 250 tỉ USD và Bắc Kinh cũng tung các đòn trả đũa lên sản phẩm của Mỹ.
Mặt khác, trong nỗ lực tìm cách chống lại sự ảnh hưởng địa chính trị gia tăng của Trung Quốc, ông chủ Nhà Trắng đang mở rộng viện trợ nước ngoài, cung cấp vốn cho các dự án hạ tầng ở châu Phi, châu Á và châu Mỹ.
Hồi tuần rồi, ông đã âm thầm ký ban hành luật thành lập một cơ quan viện trợ nước ngoài mới gọi là Công ty Tài chính Phát triển quốc tế Mỹ (IDFC) và trao cho cơ quan này quyền cung cấp 60 tỉ USD dưới dạng khoản vay dành cho các công ty sẵn sàng làm ăn ở các nước đang phát triển. Động thái này là sự đảo ngược quan điểm đáng kể của ông Donald Trump - người từng chỉ trích kịch liệt viện trợ nước ngoài từ khi ra tranh cử tổng thống năm 2015.
Bình luận (0)