Tháng 11 năm ngoái, ông Carter cũng thực hiện một chuyến thăm tương tự lên tàu sân bay USS Theodore Roosevelt khi nó hoạt động tại biển Đông, khu vực Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi pháp 80% diện tích cũng như xây đảo nhân tạo trái phép.
Lần này, phát biểu tại lễ bế mạc cuộc tập trận quân sự chung giữa Mỹ và Philippines “Balikatan” ở thủ đô Manila, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tuyên bố ông sẽ thăm tàu sân bay USS John C. Stennis trong ngày 15-4.
Phát biểu tại Bắc Kinh hôm 14-4, Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull khẳng định lợi ích kinh tế ở châu Á vốn dựa trên "nền tảng hòa bình và ổn định". "Đó là lý do tại sao, đối với biển Đông, chúng tôi kêu gọi tất cả các bên giải quyết tranh chấp lãnh thổ một cách hòa bình và phù hợp với luật pháp quốc tế" - ông Turnbull nhấn mạnh.
Trước đó, ngay khi ông Turnbull bắt đầu chuyến thăm Bắc Kinh, báo chí Trung Quốc đã cảnh báo Úc không nên làm ảnh hưởng quan hệ thương mại song phương bằng lập trường cứng rắn ở biển Đông.
“Với mỗi cuộc tập trận Balikatan, mỗi chuyến hải trình của Stennis, với mỗi cuộc tập trận đa phương và thỏa thuận quốc phòng mới, chúng tôi đã góp thêm một mũi khâu để hình thành nên mạng lưới an ninh trong khu vực” – ông Carter nói. “Đây là mạng lưới – hòa bình, nguyên tắc và toàn diện - mà Mỹ tiếp tục duy trì và phát huy”.
Sau cuộc tập trận Balikatan, gần 300 lính Mỹ và một số máy bay sẽ tạm thời ở lại Philippines cho đến hết tháng 4. Hôm 14-4, hai nước tiết lộ họ đã bắt đầu tiến hành tuần tra chung ở biển Đông.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc cùng ngày 14-4 lên án kế hoạch thắt chặt hợp tác quân sự Mỹ - Phi, bao gồm quyết định tuần tra chung biển Đông của Washington và Manila. Phát ngôn viên của bộ này mô tả đó là hành động phản ánh “tâm lý thời Chiến tranh lạnh”, đồng thời cam kết chống lại bất kỳ hành vi "xâm phạm chủ quyền" nào.
“Sự tăng cường liên minh quân sự Mỹ - Phi là biểu hiện của tinh thần Chiến tranh Lạnh, không có lợi cho hòa bình và ổn định ở biển Đông. Các cuộc tuần tra của hải quân Mỹ - Phi sẽ thúc đẩy hoạt động quân sự hóa khu vực” - Bộ Quốc phòng Trung Quốc ra tuyên bố trên trang web chính thức tối 14-4.
Cũng theo Bộ Quốc phòng Trung Quốc, các nước cần tránh hợp tác quân sự song phương có thể làm phương hại đến lợi ích của bên thứ ba.
Tướng Phạm Trường Long, phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc, thăm một số đảo và rạn đá trên biển Đông "gần đây". Đó là thông tin do Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngang ngược công bố hôm 15-4.
Bản tin không nói rõ các đảo và rạn đá nào. Tuy nhiên, báo The Wall Street Journal (Mỹ) cùng ngày dẫn lời hai quan chức Mỹ giấu tên cho biết ông Phạm đã đi máy bay ra đảo nhân tạo Trung Quốc xây phi pháp ở đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Cụ thể hơn, một loạt chuyến bay đến và đi từ đá Chữ Thập trong ngày 8 và 10-4, theo 2 quan chức trên, và loại máy bay được sử dụng là Airbus 319 và Bombardier CRJ (chuyên dùng để chở các quan chức cấp cao Trung Quốc).
Bình luận (0)