“Tất cả các nước lớn sẽ trở nên lớn hơn, theo mọi ý nghĩa của từ này, bằng cách nhận ra thế mạnh của mình và chân thành chia sẻ, xoa dịu những lo ngại của các nước nhỏ hơn” – ông Brownlee nói trong bài phát biểu nhân dịp kỷ niệm 5 năm hợp tác giữa Quân đội New Zealand và Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Bộ trưởng Brownlee cho biết New Zealand là quốc gia phương Tây đầu tiên ký kết hợp tác quốc phòng với Trung Quốc và điều này đã thể hiện “bản chất độc đáo trong mối quan hệ giữa hai nước”.
Ngoài ra, New Zealand cũng là nước phương Tây đầu tiên công nhận Trung Quốc là một nền kinh tế thị trường, ký một thỏa thuận tự do thương mại với Trung Quốc. Theo ông Brownlee, hòa bình, an toàn trên các tuyến đường hàng hải là rất quan trọng đối với New Zealand vì nước này có 99% lượng hàng xuất khẩu bằng đường biển.
“Mặc dù chúng tôi không đứng về bên nào trong các bên tuyên bố chủ quyền ở biển Đông nhưng New Zealand phản đối các hành động phá hoại hòa bình, làm xói mòn niềm tin” – Bộ trưởng Brownlee cho biết trong một tham chiếu rõ ràng đến hành động xây đảo nhân tạo, thiết lập các cơ sở quân sự của Bắc Kinh ở biển Đông.
Bộ trưởng Quốc phòng New Zealand nhấn mạnh: “Chúng tôi lo ngại các diễn biến ở biển Đông đã vượt quá nỗ lực quản lý căng thẳng của khu vực. Chúng tôi kêu gọi tất cả các quốc gia có yêu sách chủ quyền trên vùng biển này giảm bớt căng thẳng”.
Ông Brownlee nhắc khéo Bắc Kinh: “Thừa nhận những mối quan tâm và tìm kiếm đối thoại trong giải quyết vấn đề này mới là biểu hiện và hành xử nên có của một nước lớn”. Bộ trưởng cũng khẳng định mối quan hệ của New Zealand với các lực lượng quốc phòng của Mỹ và Trung Quốc không loại trừ lẫn nhau. “Chúng tôi tin rằng Mỹ và Trung Quốc đều muốn điều tương tự cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đó là hòa bình và thịnh vượng” - ông Brownlee nói.
Cũng theo Bộ trưởng Quốc phòng New Zealand, cần phải thực thi hiệu quả Tuyên bố của các bên về ứng xử trên biển Đông (DOC), mau chóng hoàn thành bộ quy tắc ứng xử (COC) để kiểm soát tranh chấp và ngăn ngừa căng thẳng leo thang thành xung đột. Hơn hết, kết quả của cơ chế giải quyết tranh chấp quốc tế cần phải được tôn trọng.
Bình luận (0)