Viên cảnh sát cấp cao Russell Parker cho biết vụ việc xảy ra lúc 22 giờ 30 phút (giờ địa phương) ngày 29-5 khi 2 người này đang bơi ở vùng nước cạn biển Thornton thuộc khu công viên quốc gia Daintree, bang Queensland – Úc thì 1 người đột nhiên bị cá sấu lôi xuống nước.
“Người còn lại cố gắng chụp lấy và kéo bạn mình vào nhưng thất bại” – ông Parker trả lời giới truyền thông.
Trong khi cảnh sát cho biết 2 người phụ nữ đang ở vùng nước sâu tới eo khi con cá sấu tấn công thì phía pháp y cho rằng mực nước chỉ tới đầu gối.
Trực thăng cứu hộ trang bị thiết bị cảm ứng nhiệt không thể tìm được bất cứ dấu vết nào của người phụ nữ mất tích tối xảy ra tai nạn. Họ đang tiếp tục tìm kiếm trong ngày 30-5 với trực thăng, thuyền và đội cứu hộ khu vực.
Được biết, nạn nhân đến từ bang New South Wales còn người phụ nữ sống sót ở cách biển Thornton gần 100 km. Người này được đưa đến bệnh viện TP Mossman vì sốc và trầy xước cánh tay khi giằng co với con cá sấu.
Loài cá sấu nước mặn Úc được cho là thủ phạm của vụ tấn công. Ảnh: Wikipedia
Phát ngôn viên dịch vụ cứu thương Queensland Neil Noble trả lời phỏng vấn đài ABC: “Người phụ nữ sống sót chỉ nhớ được rằng cô cảm thấy có gì đó di chuyển dưới nước, rồi người bạn bắt đầu la hét và bị kéo đi”.
Ông Parker cho rằng 2 nạn nhân không hề biết khu vực trên vốn nổi tiếng là nơi sinh sống của cá sấu.
Tuy nhiên, ông Warren Enstch, nghị sĩ Úc, nói bãi biển Thornton nằm sát một con sông chuyên tổ chức các tour du lịch ngắm cá sấu. Ông Enstch khẳng định 2 người phụ nữ trên chắc chắn phải thấy các tấm biển cảnh báo cá sấu trong khu vực và lên tiếng chỉ trích: “Không thể nào ban hành luật chống lại sự ngu dốt của con người. Nếu đi bơi lúc 22 giờ, bạn sẽ trở thành mồi cho cá sấu”.
Trước đây, tại khu vực này cũng từng xảy ra 2 vụ cá sấu tấn công người. Một vụ là vào năm 2009 khi một cậu bé 5 tuổi bị con cá sấu dài 4,3 m tấn công và giết chết. Vào năm 1985, một phụ nữ 43 tuổi cũng trở thành mồi cho con cá sấu dài 5 m khi đi bơi dưới sông.
Chuyên gia cá sấu Grahame Webb cho biết trong khi phần lớn cá sấu sống dưới sông, đầm lầy và những khu vực bảo vệ khác, các bãi biển ở phía bắc Úc rất không an toàn. “Đã có nhiều vụ tấn công xảy ra ngoài khơi bãi biển và gần các rạn san hô nơi mọi người thường đi lặn”.
Số lượng cá sấu ở vùng nhiệt đới phía bắc nước Úc đang tăng lên đáng kể từ khi chúng được bảo vệ theo luật liên bang năm 1971 và trở thành mối nguy với con người.
Bình luận (0)