Trong đoạn video được chia sẻ từ Bệnh viện Quân y Walter Reed (WRNMMC) ở bang Maryland - Mỹ vào ngày 3-10, Tổng thống Donald Trump khẳng định ông đang bắt đầu cảm thấy "khỏe hơn rất nhiều" nhưng nhấn mạnh vài ngày tới sẽ là thử thách thực sự đối với quá trình điều trị Covid-19 của ông. Đoạn video này được đăng tải chỉ vài giờ sau hàng loạt tuyên bố trái chiều từ Nhà Trắng khiến dư luận bối rối về tình hình sức khỏe của Tổng thống Donald Trump.
Trong buổi họp báo trước đó cùng ngày, bác sĩ của Tổng thống Donald Trump, Tư lệnh Hải quân Sean Conley, khẳng định tình trạng sức khỏe của ông chủ Nhà Trắng đang được cải thiện và ông thậm chí đã nói về việc xuất viện. Tuy nhiên, chỉ vài phút sau đó, Chánh Văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows tiết lộ với phóng viên: "Các chỉ số sinh tồn của tổng thống trong 24 giờ qua rất đáng quan ngại và 48 giờ tới sẽ mang tính then chốt đối với quá trình điều trị. Chúng tôi vẫn chưa có hướng đi rõ ràng về chuyện bình phục hoàn toàn của tổng thống".
Vài giờ sau, ông Meadows lại thay đổi câu từ khi khẳng định với Reuters rằng Tổng thống Donald Trump đang "phục hồi rất tốt" và "bác sĩ rất hài lòng với chỉ số sinh tồn của ông". Ông Meadows không giải thích sự mâu thuẫn trong những bình luận của mình trong khi giới chức chính quyền Tổng thống Donald Trump mô tả việc ông đến WRNMMC là một nước đi "đề phòng" và ông sẽ ở lại đây vài ngày.
Nhà Trắng hôm 3-10 công bố bức ảnh Tổng thống Donald Trump làm việc khi đang được điều trị Covid-19 tại WRNMMC Ảnh: REUTERS
Một tháng trước ngày bầu cử, Tổng thống Donald Trump đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng tín nhiệm nghiêm trọng vào thời điểm ông cần niềm tin của người dân nhất. Việc ông cùng nhiều trợ lý và đồng minh mắc Covid-19 đã khiến các cấp cao nhất của chính phủ Mỹ gặp rủi ro. Trong khi đó, nỗ lực trấn an hôm 3-10 của Nhà Trắng lại phản tác dụng khi những thông báo trái chiều khiến người dân Mỹ không biết phải tin ai để nắm thông tin chính xác về tình trạng sức khỏe của tổng thống.
Thậm chí, theo AP, một vài đồng minh của Tổng thống Donald Trump cũng tỏ ra bức xúc với điều mà họ khẳng định là "không chuẩn bị trước khi cung cấp thông tin về tình hình sức khỏe của ông chủ Nhà Trắng".
Với mọi tổng thống, tín nhiệm là một vấn đề đặc biệt quan trọng, bởi nó liên quan đến khả năng thuyết phục người dân trước những thách thức chính trị. Đối với một tổng thống đang đứng trước thềm bầu cử, đặc biệt là trong một năm đầy biến động như 2020, đó có thể là điểm khác biệt giữa việc phục vụ 2 nhiệm kỳ hoặc 1.
Những vấn đề liên quan đến sự tín nhiệm của Tổng thống Donald Trump đã bị "soi xét" kỹ càng hơn trong suốt thời gian diễn ra khủng hoảng Covid-19, thách thức lớn nhất đối với nhiệm kỳ tổng thống của ông. Tổng thống Trump liên tục không xem trọng mối đe dọa Covid-19, mặc dù trước đó ông từng khẳng định trong cuộc trò chuyện riêng tư với nhà báo Bob Woodward rằng Covid-19 nguy hiểm hơn cúm. Ông chủ Nhà Trắng từng gợi ý nhiều phương pháp chữa trị Covid-19 nguy hiểm, chưa được chứng minh.
Hồi tháng 4, vài tuần sau khi Covid-19 tấn công Mỹ, chỉ 23% người dân nước này có niềm tin cao đối với thông tin mà Tổng thống Trump cung cấp về virus SARS-CoV-2, theo một cuộc khảo sát của AP và Trung tâm Nghiên cứu các vấn đề cộng đồng NORC. Trong bối cảnh ngày bầu cử 3-11 đến gần, Tổng thống Donal Trump thường xuyên nói về các hướng dẫn y tế cộng đồng cũng như các nhà khoa học cố vấn cho chính quyền của ông, với mục tiêu thuyết phục cử tri Mỹ rằng giai đoạn tồi tệ nhất của Covid-19 đã đi qua.
Trong suốt nhiều tuần, Tổng thống Donald Trump di chuyển trên khắp nước Mỹ để tổ chức các cuộc vận động tranh cử quy mô lớn, cũng như chủ trì các sự kiện tại Nhà Trắng mà không có các biện pháp giãn cách xã hội hay quy định đeo khẩu trang. Nhiều người tham dự, trong đó có 2 nghị sĩ Mỹ và đệ nhất phu nhân Melania Trump, đã thông báo họ bị nhiễm Covid-19. Cùng với Tổng thống Donald Trump, những người này hiện nằm trong nhóm hơn 7,6 triệu người dân Mỹ dương tính với Covid-19.
Ngoại trưởng Mike Pompeo rút ngắn thời gian công du
Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo Ngoại trưởng Mike Pompeo lên máy bay đến Nhật Bản vào ngày 4-10 nhưng sẽ không viếng thăm Mông Cổ và Hàn Quốc như dự tính, sau khi Tổng thống Donald Trump nhập viện vì Covid-19. Theo kế hoạch ban đầu, Ngoại trưởng Pompeo sẽ đến 3 quốc gia trên từ ngày 4 đến 8-10. Tuy nhiên, sau quá trình tham vấn, ông vẫn đến Tokyo ngày 4-10 nhưng sẽ trở lại Washington vào ngày 6-10.
Bình luận (0)