Theo báo cáo, gần 90% rác thải điện tử trên thế giới - trị giá gần 19 tỉ USD - bị mua bán trái phép hoặc vứt bỏ mỗi năm. Liên minh châu Âu, Mỹ và Nhật Bản là nguồn gốc chủ yếu của rác thải điện tử; còn Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia và Pakistan là những “bãi rác” chính. Ở châu Phi, Ghana và Nigeria là những nước nhận rác thải điện tử lớn nhất.
Báo The Hindu (Ấn Độ) giải thích nguyên nhân của hành vi buôn bán bất hợp pháp rác điện tử là do chi phí vận chuyển khá thấp và phí tổn xử lý cao ở các nước phát triển. Trích dẫn nghiên cứu của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ, báo cáo của UNEP cho biết việc xuất khẩu rác thải điện tử sang châu Á ít tốn kém hơn 10 lần so với việc xử lý chúng tại những nước phát triển.
“Người dân tại những nơi đổ rác thải điện tử thu nhặt bất cứ thứ gì có giá trị. Còn những gì không thể tái sử dụng thì bị chất đống, gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng và dẫn đến “quả bom hẹn giờ độc hại” - UNEP cảnh báo. Người ta dự báo chỉ trong 2 năm nữa, lượng rác điện tử thải ra khắp thế giới sẽ tăng lên 50 triệu tấn.
Bình luận (0)