Theo thông tin mới nhất, Amri từng bị xem là mối đe dọa an ninh và có liên hệ với các phần tử cực đoan Hồi giáo.
Giới chức địa phương cho biết Amri, 24 tuổi, từ Ý đến Đức vào tháng 7-2015, nộp đơn xin tị nạn hồi tháng 4-2016 nhưng bị bác 2 tháng sau đó và hiện đối mặt lệnh trục xuất.
Khi sống tại bang North Rhine - Westphalia và sau đó là Berlin, y bị nhà chức trách để mắt vì nghi âm mưu tiến hành tấn công và có liên hệ với Abu Walaa - nhân vật bị bắt hôm 8-11 với cáo buộc tuyển mộ thành viên cho tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Thủ tướng Đức Angela Merkel đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân vụ tấn công ở Berlin hôm 20-12 Ảnh: Reuters
Sẽ mất không ít thời gian để những câu hỏi liên quan đến vụ tấn công, như liệu Amri có thuộc số những phần tử được Walaa tuyển mộ hay không, được giải đáp. Có điều chắc chắn ngay lúc này là vụ tấn công đã trở thành phép thử lớn nhất mà Thủ tướng Angela Merkel đối mặt kể từ khi lên nắm quyền.
Hồ sơ của Amri phần nào phơi bày những khiếm khuyết trong hệ thống trục xuất của Đức cũng như khiến chính sách mở cửa đón gần 1 triệu người xin tị nạn vào năm ngoái của bà Merkel tiếp tục bị “soi”.
Tiến trình trục xuất những người bị bác đơn xin tị nạn thường gặp khó vì sự thiếu hợp tác từ phía quê hương họ. Trong trường hợp Amri, chính phủ Tunisia ban đầu không thừa nhận y là công dân mình và trì hoãn cấp hộ chiếu. Dư luận Đức lo ngại là liệu có bao nhiêu “quả bom hẹn giờ” như Amri chực chờ phát nổ trong những ngày tới và thiệt hại sẽ nghiêm trọng đến đâu?
Không có gì khó hiểu khi lý lịch của nghi phạm vụ tấn công gây ra phản ứng giận dữ của các chính khách bảo thủ cũng như ảnh hưởng tiêu cực đến nỗ lực tái tranh cử của bà Merkel vào năm tới. Nhà bình luận Nikolaus Blome viết trên tờ Bild rằng dù bà Merkel chắc chắn không phải là người duy nhất bị đổ lỗi, nhiều người Đức vẫn trút sự giận dữ, nỗi sợ hãi lên nhà lãnh đạo này vì những gì xảy ra. Một số chính khách cũng chĩa mũi dùi vào chính sách tị nạn của bà Merkel, dẫn đến những chỉ trích rằng họ tìm cách chính trị hóa bi kịch nêu trên.
Bà Merkel cho đến giờ chưa phản ứng gì nhiều với làn sóng công kích mới nhất này. Dù vậy, nội các của bà hôm 21-12 đã nhanh chóng thông qua một loạt biện pháp được công bố hồi tháng 8 nhằm tăng cường an ninh trong nước, như đẩy mạnh giám sát qua video. Thậm chí, đã xuất hiện lời kêu gọi triển khai thêm cảnh sát vũ trang trên đường phố để ngăn chặn thảm kịch tương tự.
Tờ The New York Times dẫn lời một số nhà phân tích cho rằng chính sự không chắc chắn của tương lai chính trường nước Đức mới đáng lo hơn mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố.
Bà Merkel được xem là người hiếm hoi còn đủ sức bảo vệ nền dân chủ tự do lúc này giữa lúc chủ nghĩa dân túy cánh hữu trỗi dậy khắp châu Âu và tỉ phú Donald Trump, người cho rằng vụ tấn công ở Đức chứng tỏ ông đã đúng về kế hoạch cấm người Hồi giáo vào nước Mỹ, sắp vào Nhà Trắng. Trong trường hợp bà Merkel bị suy yếu hoặc thậm chí là thất bại trong cuộc bầu cử năm tới, Liên minh châu Âu sẽ bị tổn thương nghiêm trọng.
Bình luận (0)