Anis Amri, 23 tuổi, là nghi phạm đang bị lùng sục sau khi cảnh sát Đức thả nghi can người Pakistan trước đó.
Amri bị theo dõi từ đầu năm nay vì tình nghi lên kế hoạch thực hiện vụ cướp để trả tiền mua vũ khí nhưng lệnh giám sát sau đó được dỡ bỏ vì thiếu bằng chứng.
Nghi phạm Anis Amri, 23 tuổi. Ảnh: THINKSTOCK
Trước khi vào Đức, Amri từng ngồi tù 4 năm vì tội đốt phá ở Ý và đối mặt với án tù khác ở Tunisia nhưng không thi hành án. Ngoài ra, hắn còn bị cáo buộc đã liên lạc với Abu Walaa, người chiêu mộ tân binh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Đức. IS hôm 20-12 đã lên tiếng nhận trách nhiệm truyền cảm hứng cho kẻ tấn công nhưng thông tin này chưa được xác thực.
Trong khi đó, một quan chức cấp cao hôm 21-12 cho biết Amri là đối tượng trong một cuộc điều tra khủng bố ở Đức hồi đầu năm nay và không bị trục xuất mặc dù đơn xin tị nạn đã bị từ chối.
Hắn hiện bị truy nã trên khắp châu Âu sau khi cảnh sát tìm thấy giấy phép cư trú của hắn trong chiếc xe tải tông vào chợ Giáng sinh ở Berlin hôm 19-12, khiến 12 người chết và 49 người bị thương. Giới chức trách Đức cảnh báo nghi phạm này có vũ khí và là đối tượng nguy hiểm, đồng thời treo thưởng 100.000 euro (104.000 USD) cho bất kỳ ai cung cấp thông tin để bắt giữ hắn.
Các báo cáo cho rằng Amri có thể đã bị thương trong một cuộc giằng co với tài xế người Ba Lan, người chết trên ghế hành khách trong xe tải với vết thương do súng bắn và dao đâm.
Amri, người xin tị nạn bất thành ở Đức, hiện bị truy nã trên khắp châu Âu. Ảnh: GERMAN INTERIOR MINISTRY
Các quan chức cho biết Amri không phải là người tị nạn trong làn sóng người di cư vào châu Âu thông qua tuyến đường chính từ Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp. Thay vào đó, Amri đã đến Ý từ khoảng đầu năm 2012 và sang Đức hồi năm ngoái. Đơn xin tị nạn tại Đức của Amri bị từ chối trong tháng 6 nhưng chưa bị trục xuất do thiếu hộ chiếu.
Tuy nhiên, những thông tin về Amri đã chỉ ra lỗ hổng trong hệ thống trục xuất của Đức và đặt ra thách thức cho chính sách mở cửa đối với người tị nạn của Thủ tướng Angela Merkel, người sẽ tái tranh cử vào năm tới. Đức đã đón gần 1 triệu người tị nạn hồi năm ngoái. Thủ tướng Merkel đã có cuộc gặp nội các an ninh để thảo luận về cuộc điều tra vụ tấn công.
Ông Stefan Mayer, người phát ngôn Đảng liên minh Xã hội Thiên chúa giáo, cho biết: "Có sự liên hệ giữa cuộc khủng hoảng người tị nạn và các mối đe dọa khủng bố ở Đức. Điều này có thể được nhìn thấy trong trường hợp của nghi phạm Tunisia”.
Bình luận (0)