Sự cố tràn bùn đỏ ở Hungary tuần qua ít nhất cũng có mặt tích cực ở chỗ gióng lên một hồi chuông báo động, nhắc nhở mọi người đề cao cảnh giác với nguy cơ của những quả “bom nổ chậm” kể trên.
Không chỉ có Ajkai
Ủy ban Quốc tế Bảo vệ sông Danube (ICPDR) cho biết: “Ngành công nghiệp và khai thác hầm mỏ chiếm 31%-42% tổng sản phẩm nội địa (GDP) và sử dụng 29%-50% lao động của các nước Đông Âu nằm hai bên sông Danube. Hai ngành này sử dụng hằng năm 5,7 tỉ m3 nước sông Danube”.
Nhiều nhà máy và hầm mỏ dọc sông Danube có tuổi đời trên 20 năm nay không còn hoạt động nữa. Thế nhưng, chất thải độc hại vẫn còn nằm trơ ra đó trong các hồ chứa xuống cấp bởi thời gian, không biết bục vỡ lúc nào.
Ở Hungary, còn nhiều bãi và hồ chứa bùn đỏ ngoài các hồ chứa của nhà máy bauxite-nhôm Ajkai, theo Tổ chức WWF (Quỹ Bảo vệ Thiên nhiên Toàn cầu). Các nhà môi trường cảnh báo nguy cơ tràn bùn đỏ từ 7 hồ chứa ở Almasfuzito, nằm trong lưu vực sông Danube, Tây Bắc Budapest, thủ đô Hungary.
Thể tích các hồ chứa lên đến 12 triệu tấn - tức 10 lần lượng bùn đỏ tràn ra từ chỗ chứa của nhà máy Ajkai - trên diện tích 40 ha tích lũy từ năm 1945. Nguy hiểm hơn nữa, bãi chứa này lại nằm trong vùng động đất.
Ông Andres Beckmann, Giám đốc Chương trình Danube - Carpathian của WWF, nhận định: “Điều đáng sợ nhất là chúng ta không biết có bao nhiêu cơ sở công nghiệp và bãi chứa chất thải độc hại giống như bom nổ chậm phát nổ lúc nào”.
Chim hoang dã trên sông Danube thuộc khu di sản thế giới, gần Tulcea,
Romania cũng bị đe dọa bởi một bãi chứa đầy bùn độc. Ảnh: REALADVENTURE
Ở Đông Bắc Hungary, nhà máy Birsodchem cũng đe dọa nguồn nước ngầm. Nhà máy này hằng năm thải ra khoảng 100.000 tấn chất thải chứa dioxin. Cách đây 34 năm, một vụ nổ tại một nhà máy tương tự ở Seveso - Ý đã thải vào không khí chất dioxin giết chết hàng trăm gia súc và biến Seveso thành thị trấn ma.
Slovakia, nước láng giềng của Hungary, cũng gặp những vấn đề tương tự. Một khu vực rộng lớn ở miền Đông nước này hiện nay vẫn còn bị ô nhiễm chất PCB.
Sự cố tràn bùn đỏ ở Hungary đã làm Chính phủ Bulgaria lo lắng. Lệnh rà soát mức độ an toàn của hơn 10 bãi chứa chất thải kim loại nặng đang hoạt động đã được ban hành cấp tốc hồi tuần rồi. Tuy nhiên, lệnh này đã bị các nhà môi trường chỉ trích vì nó bỏ qua các bãi chứa xây dựng cách nay vài chục năm không còn hoạt động, có nguy cơ rò rỉ hoặc bục vỡ rất lớn.
NATO cũng góp phần
Năm 1966, một bờ bao hồ chứa chất thải độc hại của nhà máy sản xuất chì và đồng ở thành phố Zgorigrad đã bị vỡ, gây ra một đợt lũ nước độc giết chết 488 người. Các vùng lũ đi qua biến thành đất chết.
WWF cũng rất lo lắng về một con đập gần thị trấn Chiprovtski ở Tây Bắc Bulgaria vì nếu nó bị vỡ, chất thải độc hại sẽ đổ thẳng xuống sông Ogosta, một nhánh quan trọng của sông Danube.
Tại Romania, gần cảng Tulcea trên sông Danube có một bãi chứa tràn đầy bùn độc của một nhà máy. Một vụ tràn chất thải độc hại của nhà máy này, theo WWF, có thể hủy hoại các ao hồ và đầm lầy ở cửa sông Danube đổ ra biển Đen, nơi sinh sống của 300 giống chim và 45 loài cá nước ngọt. Địa điểm này đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới.
796.000 km² lưu vực sông Danube đang bị các bãi chứa bùn độc hại (ảnh đầu lâu) ở các nước ven sông đe dọa. Ảnh: LE FIGARO
Chiến tranh cũng là một yếu tố gây thảm họa môi trường đe dọa sông Danube. Cách đây 11 năm, máy bay của NATO đã ném bom xuống nhà máy phân bón, nhà máy sản xuất vinyl chloride và nhà máy lọc dầu ở thị trấn Pancevo, gần Belgrade, thủ đô Serbia. Hậu quả, thủy ngân, dioxin và các hóa chất gây ung thư khác tràn xuống sông.
Gần Belgrade hiện có nhà máy điện Nikola Tesla chạy bằng nguồn nhiên liệu than đá. Hàng triệu tấn tro than nằm chất đống cao cả 100 m ở ngoài trời, chỉ cách sông Sava, một nhánh của sông Danube, 100 m. Hàm lượng muội than trong không khí ở Obrenovac rất cao gần 4 tháng trong năm. Để hạn chế ô nhiễm, người ta dùng hơi nước phun lên trời nhưng biện pháp này không có hiệu quả khi gặp gió mạnh.
Lòng tham không đáy
Ở Croatia, theo Tổ chức Hành động xanh, có 9 điểm chứa chất thải hàng chục năm nay cần phải xử lý nếu muốn cứu sông Danube. Một trong những điểm đó là Vranjic, gần thành phố Slit. Tại đây, một nhà máy sản xuất amiăng đã bị đóng cửa nhiều năm rồi nhưng 7.000 m3 chất thải độc hại chưa được xử lý. Cách đây 2 năm, lượng phân tử amiăng trong không khí đo được ở vùng Vranjic cao gấp 3 lần so với các nơi khác.
Thật ra, các nước Hungary, Romania, Bulgaria, Slovakia và Cộng hòa Czech hiện đã có ý thức hơn về vấn đề xử lý chất thải độc hại kể từ khi họ nộp đơn xin gia nhập Liên hiệp châu Âu (EU).
Một trong những điều kiện để được EU kết nạp đối với các nước Đông Âu là phải xử lý bớt các nhà máy lạc hậu, cũ kỹ và bãi chứa chất thải độc hại. EU đã đổ ra rất nhiều tiền giúp các nước này đáp ứng điều kiện vừa nêu.
Tuy nhiên, sau khi các nhà máy quốc doanh ở các nước nói trên lọt vào tay tư nhân theo chính sách tư hữu hóa ồ ạt thời hậu Liên Xô, các ông chủ tư bản đã coi lợi nhuận là trên hết, lơ là với sự an toàn của các bể chứa chất thải công nghiệp độc hại. Đó là một trong những nguyên nhân gây ra sự cố tràn bùn đỏ ở Hungary.
Bình luận (0)