Thông điệp này chắc chắn sẽ khiến cuộc đối đầu giữa ông Obama và phe Cộng hòa, hiện kiểm soát lưỡng viện quốc hội, thêm căng thẳng bởi cả hai bên không cho thấy dấu hiệu nhượng bộ.
“Ông Obama sẽ đưa ra một số ý tưởng lớn trong Thông điệp Liên bang. Ngay cả khi biết rõ những ý tưởng này không qua được ải quốc hội, đây vẫn là cách để khơi mào một cuộc tranh luận quốc gia và đặt nền móng cho ứng viên Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử tổng thống 2016” - ông Tim Vercellotti, giáo sư về khoa học chính trị tại Trường ĐH Western New England (Mỹ), nhận định.
Nhà Trắng tiết lộ chủ đề của Thông điệp Liên bang 2015 là vấn đề kinh tế của tầng lớp trung lưu, trong đó chú trọng cải cách thuế. Tổng thống Mỹ dự kiến kêu gọi tăng đánh thuế những người giàu nhất và công ty tài chính lớn nhất nước để giảm thuế cho người trung lưu.
Các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa lập tức gọi đề xuất này là “không nghiêm túc” và khó có triển vọng thành công. “Tăng thuế với những người thành đạt không giúp những người đang gặp khó khăn thành công hơn… Đề xuất này thậm chí còn phản tác dụng” - Thượng nghị sĩ Marco Rubio nói với đài CBS.
Tổng thống Barack Obama dự kiến kêu gọi tăng thuế nhằm vào những người giàu nhất nước
trong Thông điệp Liên bang 2015 Ảnh: The New York Times
Bên cạnh đó, Tổng thống Obama nhiều khả năng sẽ lặp lại lời kêu gọi quốc hội thông qua dự luật cải cách hệ thống nhập cư nếu không thích sắc lệnh ông ban hành vào năm ngoái, trong đó có biện pháp ngăn trục xuất hàng triệu người nhập cư trái phép.
Hôm 14-1, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật cấp ngân sách cho Bộ An ninh Nội địa đến tháng 9-2015 nhưng không bao gồm kinh phí dùng để thực thi sắc lệnh cải cách nhập cư nêu trên. Thượng viện Mỹ dự kiến tập trung xem xét dự luật này vào tháng 2 tới. Tuy nhiên, ngay cả khi được lưỡng viện thông qua, dự luật này cũng khó có cửa được ông Obama ký ban hành thành luật, theo trang Politico.
Chính sách đối ngoại cũng hứa hẹn là điểm nóng khi ông chủ Nhà Trắng có thể thúc giục quốc hội dỡ bỏ cấm vận Cuba sau khi 2 nước quyết định bình thường hóa quan hệ cũng như không áp đặt các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Iran.
Một lần nữa, các ông nghị Cộng hòa nhiều khả năng bỏ ngoài tai những lời kêu gọi này. Bằng chứng là vào ngày 22-1, Ủy ban Ngân hàng Thượng viện sẽ bỏ phiếu về dự luật cho phép tiếp tục trừng phạt Tehran nếu không có thỏa thuận nào đạt được giữa Iran và nhóm P5+1 (Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga, Đức) trong vấn đề hạt nhân trước ngày 6-7, bất chấp lời đe dọa phủ quyết ngay từ đầu của ông Obama.
Bình luận (0)