Phát biểu sau chiến thắng, ông Fillon tuyên bố nhân dân bỏ phiếu cho ông bởi vì ông đã giới thiệu những giá trị của Pháp. “Tôi sẽ bảo vệ những giá trị đó và sẽ chia sẻ với mọi người yêu mến nước Pháp bất chấp những khác biệt” - ông khẳng định.
Chiến thắng của ông Fillon khiến Đảng Xã hội cầm quyền không khỏi lo lắng trong bối cảnh uy tín Tổng thống François Hollande sụt giảm và nội bộ chia rẽ. Đảng này hy vọng sẽ hợp nhất cử tri chống lại nhân vật mà họ gọi là mối đe dọa đến hình mẫu xã hội tốt đẹp của Pháp.
Vì thế, theo báo The Guardian, cuộc bầu cử tổng thống Pháp, dự kiến diễn ra 2 vòng vào tháng 4 và tháng 5-2017, chắc chắn được thế giới theo dõi sát sao vì có thể gây ra cơn địa chấn chính trị khác sau 2 cú sốc Brexit (Anh rời khỏi Liên minh châu Âu) và tỉ phú Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ.
Ngoài lập trường thân Nga, ông Fillon được đánh giá là người có quan điểm bảo thủ đối với các vấn đề xã hội, bảo vệ các giá trị gia đình cũng như tự do về kinh tế. Ngoài ra, các cải cách của ông Fillon có phần cực đoan, chẳng hạn đề xuất xóa bỏ 500.000 vị trí trong bộ máy công quyền. Ông Fillon còn có kế hoạch giảm chi tiêu công 100 tỉ euro trong vòng 5 năm, hủy thuế đánh vào người giàu và thúc đẩy tăng tuổi hưu lên 65 cũng như cắt giảm an sinh xã hội. Có ý kiến lo ngại rằng kế hoạch thắt lưng buộc bụng của ông Fillon nhiều khả năng sẽ gây hỗn loạn.
Một trong những đối thủ hàng đầu của ông Fillon trong cuộc bầu cử sắp tới là bà Marine Le Pen, Đảng Mặt trận Dân tộc (FN) cực hữu. Các cuộc thăm dò mới nhất cho thấy 2 ứng viên này sẽ lọt vào vòng hai cuộc bầu cử và ông Fillon sẽ đắc cử tổng thống Pháp. Dù vậy, những gì xảy ra ở Anh và Mỹ vừa qua cho thấy không nên quá tin vào các cuộc thăm dò bởi bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra.
So với Pháp, chính trường nước Ý thậm chí còn gây ra nhiều nỗi lo tức thì hơn bởi Thủ tướng Matteo Renzi có thể ra đi trước khi Tổng thống Mỹ Barack Obama rời khỏi Nhà Trắng vào ngày 20-1-2017. Lý do là ông Renzi từng hứa sẽ từ chức nếu cử tri không ủng hộ đề xuất cải tổ hiến pháp trong cuộc trưng cầu ý dân vào ngày 4-12 tới. Nếu các cuộc thăm dò dư luận chính xác, kịch bản ông Renzi ra đi là điều khó tránh, đe dọa dẫn đến không ít bất ổn chính trị tại nền kinh tế lớn thứ ba trong khối sử dụng đồng euro (eurozone) này.
Vì thế, theo Reuters, nhà lãnh đạo Ý đang đối mặt áp lực ngày càng tăng về việc phải ở lại để đối phó với hậu quả có thể có nếu cử tri nói “không”. Một số doanh nhân và quan chức chính phủ cao cấp cho biết họ lo sợ điều xấu nhất có thể xảy ra nếu ông Renzi rời bỏ chức vụ.
Bình luận (0)