Chính vì thế mà truyền thông địa phương ví họ với 2 nhân vật Elsa và Anna trong phim hoạt hình “Frozen” của hãng Disney: Một bên là nữ hoàng băng giá Park Geun-hye, một bên là cô em gái nồng nhiệt Park Geun-ryeong.
Một số tờ báo Hàn Quốc nhận định bà Park Geun-ryeong là “mối nguy” cho uy tín của chị gái. Ví dụ mới nhất, Tổng thống Park ra sức buộc Nhật Bản xin lỗi và bồi thường cho những tội ác chiến tranh nhân kỷ niệm 70 năm kết thúc chiến tranh Thế giới thứ hai. Trái lại, trong cuộc trả lời phỏng vấn Cổng Thông tin Nikoniko (Nhật Bản) tuần trước, bà Geun-ryeong tuyên bố liên tục đòi Nhật Bản xin lỗi là không đúng.
Theo bà, Tokyo đã chính thức xin lỗi đến 4 lần, bao gồm lần Thiên hoàng Hirohoto “bày tỏ sự nuối tiếc” với cựu Tổng thống Chun Doo-hwan năm 1984. Bà Geun-ryeong nghĩ rằng bù đắp cho “những phụ nữ giải khuây” trong các nhà thổ của quân đội Nhật Bản thời chiến tranh là trách nhiệm của Seoul, không phải của Tokyo.
Tổng thống Park Geun-hye (bìa phải) cùng 2 người em Park Geun-ryong (bìa trái)
và Park Ji-man (thứ 2 từ phải sang). Ảnh: Yonhap
Về việc phản đối các chính trị gia Nhật viếng đền Yasukuni - nơi thờ người Nhật Bản thiệt mạng trong Thế chiến thứ hai - em gái của Tổng thống Park lại chỉ trích nước mình... can thiệp vào nội bộ láng giềng.
Phát ngôn của bà Geun-ryeong bị ông Park Ji-won, nghị sĩ Đảng Dân chủ, phê phán là “lời nói thiếu suy nghĩ xuất phát từ miệng em gái tổng thống và một công dân Hàn Quốc”. Tương tự, nghị sĩ Đảng Dân chủ Lee Un-ju trách móc bà Geun-ryeong thiếu hiểu biết về những vết thương lịch sử.
Theo báo The Straits Times, một cuộc thăm dò trên 500 người của Đài Truyền hình Hàn Quốc MBN cho thấy 79,9% người tức giận với ý kiến của bà Geun-ryeong, chỉ 7,6% đồng tình trong khi số còn lại không ý kiến.
Người em trai của Tổng thống Park, ông Park Ji-man, cũng ít nhiều gây rắc rối. Mới đây, ông ra tòa làm chứng liên quan đến vụ rò rỉ tài liệu của Phủ Tổng thống và phủ nhận tranh giành quyền lực trong nội bộ chính quyền.
Bình luận (0)