xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bóng ma khủng bố ám ảnh thế giới

THU HẰNG - XUÂN MAI

Ít nhất 27 người thiệt mạng trong vụ 170 người bị bắt cóc làm con tin ở thủ đô Bamako - Mali

Vụ việc xảy ra vào khoảng 7 giờ ngày 20-11 (giờ địa phương), tức 14 giờ (theo giờ Việt Nam) khi một nhóm tay súng đi trên chiếc xe có biển số ngoại giao lặng lẽ đến khách sạn Radisson Blu, một khách sạn hạng sang vốn quen thuộc với các du khách cũng như nhân viên nước ngoài làm việc tại Mali.

Khủng hoảng con tin ở Mali

Đài Al Jazeera (Qatar) xác định những tay súng bắt cóc con tin đến từ nhóm Ansar al-Din (tạm dịch: Những người ủng hộ tôn giáo). Trong khi đó, Al-Mourabitoun, một nhóm thánh chiến châu Phi có liên hệ với al-Qaeda lên tiếng nhận trách nhiệm vụ tấn công. Một con tin thoát được ra ngoài cho biết nghe thấy một tay súng trong khách sạn nói tiếng Anh.

Tới 23 giờ ngày 20-11, theo giờ Việt Nam, đài BFMTV dẫn lời một quan chức Mali cho biết không còn con tin nào trong khách sạn. 18 thi thể được đưa ra từ hiện trường và không rõ số phận của toàn bộ các tay súng thực hiện vụ tấn công.

Trước đó, đài BBC đưa tin 3 tay súng bị tiêu diệt trong khi Reuters dẫn nguồn tin an ninh nói là 2. Nguồn tin an ninh cho biết ban đầu một số con tin có thể đọc kinh Koran được trả tự do trước.

 

Lực lượng an ninh đưa người dân rời khỏi hiện trường Ảnh: AP
Lực lượng an ninh đưa người dân rời khỏi hiện trường Ảnh: AP

 

Lực lượng của Liên Hiệp Quốc tại Mali đã tham gia trợ giúp Mali tấn công vào khách sạn để giải cứu con tin cũng như cứu hộ y tế tại hiện trường. Đặc nhiệm Mỹ tại Bamako giúp sơ tán người dân tới nơi an toàn. Trong khi đó, Pháp ngưng mọi chuyến bay dân sự tới Mali nhưng vẫn huy động một đơn vị tinh nhuệ chuyên xử lý tình huống khủng hoảng con tin tới đây trợ giúp.

Lo sợ bao trùm

Đám đông hoảng loạn, các ca sĩ ngôi sao hủy biểu diễn, nhiều chuyến bay hạ cánh khẩn cấp, một số trận bóng đá bị hủy… là những gì mà người dân châu Âu chứng kiến kể từ khi xảy ra vụ khủng bố liên hoàn ở thủ đô Paris - Pháp tối 13-11, làm 130 người chết. Theo tiết lộ mới nhất từ giới lãnh đạo chính trị Bỉ, Salah Abdeslam - nghi phạm chính vụ khủng bố ở Paris - nhiều khả năng đang ở Brussels.

Hãng tin Reuters cho biết người dân Paris ngày càng nhạy cảm trước những tiếng động thường ngày như còi xe cảnh sát, tiếng động cơ xe. “Ngay cả tiếng đóng cửa mạnh tay cũng làm người ta hoảng sợ” - ông Yann Osouf, 36 tuổi, quản lý nhà hàng gần Nhà hát Bataclan, một mục tiêu trong vụ thảm sát hôm 13-11, cho biết.

Cảnh sát khắp nơi vất vả xử lý vô số cuộc gọi cầu cứu của người dân, từ lo sợ về một gói đồ đáng nghi đến đe dọa đánh bom. Tại Anh, cảnh sát hôm 19-11 phải sơ tán một ga tàu điện ngầm ở trung tâm London và cho nổ một chiếc xe hơi bị bỏ lại gần nhà ga. Hành khách trên chuyến bay đi Morocco tại sân bay Manchester - Anh phải sơ tán vì bị đe dọa đánh bom và 2 kẻ tình nghi sau đó bị bắt giữ.

Hầu hết những thông tin cấp báo này hóa ra đều vô hại nhưng cuộc sống của người dân châu Âu đang vì thế mà đảo lộn. Tại thủ đô Stockholm - Thụy Điển, số người sử dụng tàu lửa và tàu điện ngầm đang giảm. “Tôi không còn nhận ra Stockholm của mình nữa rồi” - cô Camilla Kvartoft, một người dẫn chương trình của đài SVT, cảm thán trên Twitter.

An ninh khắp châu Âu được siết chặt, có thể thấy rõ qua sự hiện diện thường trực của cảnh sát, binh sĩ tại những địa điểm nổi tiếng, trung tâm thương mại, nhà ga, sân bay…

Trong cùng ngày 19-11, cảnh sát Thụy Điển bắt tên Mutar Muthanna Majid, tình nghi là người của nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng; cảnh sát Đức truy tìm các đối tượng Ả Rập có thể đang âm mưu khủng bố ở TP Munich; an ninh Ý lùng bắt 5 nghi phạm định tấn công thủ đô Rome và TP Milan…

Ngoại trưởng Ý Paolo Gentiloni kêu gọi truyền thông không thổi bùng ngọn lửa sợ hãi: “Chúng ta không thể trở thành tù nhân của tình trạng báo động này bởi đó sẽ là món quà cho IS”. Câu nói rất ý nghĩa song không rõ tác dụng trấn an đến đâu bởi tại Bỉ, Thủ tướng Charles Michel tuyên bố sẽ đề xuất luật mới để bỏ tù các chiến binh thánh chiến trở về từ Syria, không bán thẻ sim điện thoại cho người mua giấu tên và cảnh sát được phép lục soát nhà dân vào ban đêm (hiện bị cấm từ 21 giờ đến 5 giờ hôm sau).

Châu Á lo lắng không kém. Ngay trước thềm Hội nghị Cấp cao ASEAN, nhà chức trách Malaysia đã siết chặt an ninh sau khi một biên bản nội bộ của cảnh sát cảnh báo 18 kẻ đánh bom tự sát của IS có thể đang hiện diện tại thủ đô Kuala Lumpur và bang Sabah. Những tên này được huấn luyện ở Syria, Afghanistan, Iraq và đang đợi lệnh tấn công.

Còn ở Hàn Quốc, việc bắt giữ một lao động nhập cư Indonesia ủng hộ IS khiến dư luận nước này tỏ ra lo lắng.

 

Ngăn làn sóng tị nạn

Các bộ trưởng nội vụ Liên minh châu Âu (EU) hôm 20-11 họp bàn việc siết chặt kiểm soát biên giới của khu vực đi lại tự do Schengen, gồm 26 nước, sau vụ khủng bố ở Paris làm 130 người thiệt mạng.

Theo đài BBC, Pháp đề nghị mọi công dân EU cũng bị áp dụng các biện pháp kiểm soát biên giới nghiêm ngặt như người ngoài khối, đồng thời muốn dữ liệu về hành khách đi máy bay được chia sẻ dễ dàng hơn và trấn áp nạn buôn bán vũ khí trong EU.

Trước đó, Thủ tướng Pháp Manuel Valls cho hay một số kẻ tấn công ở Paris đã trà trộn vào dòng người nhập cư, đồng thời cảnh báo khu vực Schengen sẽ lâm nguy nếu không siết chặt biên giới. Bằng chứng, theo Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve, là kẻ tình nghi chủ mưu khủng bố Paris Abdelhamid Abaaoud từ Syria quay lại Pháp mà không tình báo nước châu Âu nào phát hiện.

 

Người di cư tại biên giới Hy Lạp - Macedonia hôm 20-11 Ảnh: REUTERS
Người di cư tại biên giới Hy Lạp - Macedonia hôm 20-11 Ảnh: REUTERS

 

Thêm vào đó, hãng AP đưa tin hầu hết các quốc gia dọc theo hành lang tị nạn ở châu Âu đã đồng loạt đóng cửa biên giới hôm 19-11 đối với di dân đến từ các nước không bị chiến tranh tàn phá, khiến hàng ngàn người mắc kẹt tại các cửa khẩu biên giới các nước Balkan. Để được phép đi qua biên giới, người tị nạn phải xuất trình giấy tờ tùy thân chứng tỏ họ đến từ Syria, Afghanistan hoặc Iraq.

Tại Nga, một dự thảo nghị quyết được Hội đồng Liên bang (thượng viện) và Duma Quốc gia (hạ viện) đưa ra ngày 20-11 cũng đề xuất thay đổi các luật pháp về di trú của quốc tế nói chung và của nước này nói riêng để ngăn ngừa khủng bố lan rộng.

Trong khi đó, với tỉ lệ bỏ phiếu 289-137, hạ viện Mỹ hôm 19-11 thông qua dự luật siết chặt kiểm tra an ninh đối với người tị nạn từ Syria vào Mỹ.

Theo dự luật, bộ trưởng Bộ An ninh Nội địa và giám đốc Tình báo quốc gia phải xác nhận từng đương đơn từ Syria và Iraq xin tị nạn không gây ra mối đe dọa nào đối với Mỹ. Tuy nhiên, theo báo The New York Times, Nhà Trắng đánh giá những đòi hỏi như nêu trên không thể đứng vững, đồng thời cho rằng Tổng thống Barack Obama sẽ phủ quyết dự luật này.

31 thống đốc Mỹ, bao gồm 1 vị là thành viên Đảng Dân chủ, tuyên bố không cho người Syria vào bang của mình.

Lục San

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo