Những người ủng hộ bà Dilma Rousseff đã đồng loạt xuống đường biểu tình ngay trong đêm 31-8 để phản đối thượng viện bỏ phiếu bãi nhiệm nữ tổng thống đầu tiên của Brazil, qua đó chấm dứt 13 năm cầm quyền của Đảng Công nhân cánh tả.
Rạn nứt và chia rẽ
Người biểu tình giận dữ phóng hỏa, đập phá tài sản và đụng độ với cảnh sát ở Sao Paolo - thành phố lớn nhất quốc gia Nam Mỹ này - cũng như ở Rio de Janeiro và 13 bang. Cảnh sát phải bắn hơi cay để đối phó những đối tượng quá khích. Trong khi đó, nữ tổng thống vừa bị phế truất thề sẽ kháng án lên tòa án tối cao để bác bỏ quyết định của Thượng viện Brazil mà bà gọi là “một cuộc đảo chính” được tầng lớp tinh hoa kinh tế chống lưng.
Không chỉ gây chia rẽ trong nước, việc nữ tổng thống 68 tuổi mất chức còn làm rạn nứt châu Mỹ Latin, theo Reuters. Chính phủ các nước Venezuela, Ecuador và Bolivia đã rút đại sứ khỏi Brazil. “Đây là cuộc tấn công nhằm vào các phong trào cánh tả tiến bộ” - Tổng thống Venezuela Nicholas Maduro tuyên bố trên truyền hình. Chính quyền Tổng thống Brazil mới nhậm chức Michel Temer lập tức đáp trả bằng động thái tương tự.
Theo nhận định của báo The Washington Post, dù gây nhiều tranh cãi nhưng sự ra đi của bà Rousseff có thể là kết quả tốt nhất cho đất nước Brazil vốn đang quay cuồng trong bê bối chính trị và suy thoái kinh tế tồi tệ nhất thế kỷ. Tuy vậy, tờ The Guardian cho rằng đổi lãnh đạo sẽ không thể “chữa hết bệnh tật” của Brazil.
Trong bài phát biểu trên truyền hình sau khi nhậm chức, ông Temer thừa nhận tình trạng suy thoái sâu của nền kinh tế Brazil và cho rằng 12 triệu người thất nghiệp trong nước là “con số đáng sợ”. Từ đó, những biện pháp thắt lưng buộc bụng mà ông hô hào trước đây để cứu lấy công quỹ sẽ đổ thêm dầu vào lửa giận dữ của dân chúng. Vị lãnh đạo 75 tuổi từng là phó tổng thống nhưng sau đó lại trở thành kẻ thù của bà Rousseff còn phải đối mặt sự tẩy chay của những người ủng hộ từ Đảng Công nhân cả trong quốc hội lẫn ngoài đường phố về kế hoạch tư nhân hóa và cải tổ luật hưu trí, phúc lợi xã hội.
Tương lai mờ mịt
Kết quả một cuộc khảo sát hồi tháng 7 của Datafolha cho thấy chỉ có 14% ủng hộ sự điều hành của ông Temer sau khi ông lên làm tổng thống lâm thời của Brazil kể từ tháng 5, thời điểm bà Rousseff tạm thời bị đình chỉ chức vụ. Ngoài ra, 62% trong số 2.792 người được khảo sát nói họ muốn một cuộc bầu cử trước thời hạn để giải quyết khủng hoảng. Theo kế hoạch, bầu cử sẽ diễn ra sau khi ông Temer kết thúc nhiệm kỳ vào cuối năm 2018.
Trong khi đó, Thượng viện Brazil dù bỏ phiếu bãi nhiệm bà Rousseff nhưng vẫn cho phép nữ chính trị gia từng kiên cường vượt qua tra tấn và tù tội dưới thời độc tài quân sự này có quyền tham gia chính trường. Kết quả bất ngờ này gây không ít bất an cho Đảng Phong trào dân chủ Brazil (PMDB) của ông Temer.
Các chuyên gia phân tích cho rằng trường hợp của bà Rousseff đã phơi bày một số điểm yếu của hệ thống chính trị Brazil, trong đó đòi hỏi tổng thống phải thỏa hiệp với nhiều đảng phái chính trị. Một hệ thống như vậy dễ dung dưỡng cho những cuộc mặc cả chính trị và tham nhũng.
Bà Rousseff không bị cáo buộc tham nhũng nhưng hàng chục chính trị gia trong đảng của bà và nhiều nhân vật khác trong liên minh cầm quyền với Đảng PMDB đang bị điều tra liên quan tới vụ tham nhũng ở tập đoàn dầu khí nhà nước Petrobras. “Vấn đề cơ bản đối với người dân Brazil là thiếu niềm tin do bê bối tham nhũng và tình trạng quá nhiều đảng phái” - ông Saulo Porto, Giám đốc Công ty Cố vấn chiến lược Prospectiva (Brazil), nhận định. Theo chuyên gia khoa học chính trị Leon Barbosa của Trường ĐH Campina Grande (Mỹ), vấn đề phải liên minh mới có thể cầm quyền ở Brazil đang đối mặt những hậu quả chính trị lớn.
Bình luận (0)