Brazil là một nước nhiệt đới năm nào cũng có lũ bùn, lũ ống từ trên núi đổ xuống như thác đổ gây chết chóc tang thương. Năm 1967, đã từng có những trận lũ bùn ở vùng Caraguatatuba, bang Sao Paulo, làm chết 430 người. Đợt lũ lần này còn kinh hoàng hơn. Tính đến đêm 13-1 (giờ địa phương) đã có hơn 500 người thiệt mạng do những cơn lũ ống, lũ bùn bùng phát đêm thứ ba vừa qua.
Tổng thống Dilma Rousseff thị sát lũ bùn ở Nova Friburgo bằng trực thăng. Ảnh: AP
“Phép lạ” ở Nova Friburgo
Câu chuyện “phép lạ” sau đây ở Brazil đã được các hãng thông tấn thế giới đưa tin đồng loạt vào tối 13-1. Tại Nova Friburgo, một thị trấn nông nghiệp trước đây do di dân Thụy Sĩ dựng lên, cách thành phố Rio de Janeiro 140 km, hôm 13-1, lính cứu hỏa đã ăn mừng cuộc phục sinh kỳ diệu của một bé trai 6 tháng tuổi bị chôn vùi 15 giờ.
Theo đài truyền hình Brazil Globo News, tên cậu bé là Nicholas mặc áo sơ mi phong phanh được tìm thấy trong tư thế được cha ôm cứng trong lòng đêm thứ ba, rạng sáng thứ tư. Hai cha con đã bị vùi trong đống đổ nát của ngôi nhà ông bà ngoại của bé bị lũ bùn phá hủy hoàn toàn.
Những người cứu hộ đã tìm cách cứu đứa bé trước. 30 phút sau, họ mới đưa được người cha 25 tuổi tên Wellington ra khỏi đống đổ nát. Sau bốn giờ tích cực cấp cứu, hai cha con đã được cứu sống.
Bé Nicholas không hề khóc một tiếng nào trước và sau khi được cứu sống. Ông Ademilson Guimaraes, ông ngoại của bé, nói trong nước mắt: “Ơn Chúa, đây là một phép lạ thật sự”. Thật vậy, tính đến sáng 13-1, trận lũ bùn đã cướp đi ít nhất sinh mạng của 201 người ở Nova Friburgo.
Ống kính đài truyền hình địa phương cũng đã chộp được một cảnh tượng nghẹt thở khác ở Teresopolis. Ngôi nhà của bà Pereira de Souza bị lũ ống hủy hoại. Những người cứu hộ quăng một sợi dây, dài chừng 7-8 m, qua dòng lũ ống chảy sôi sục. Bà Souza, 53 tuổi, ôm con chó Beethoven nhảy đại xuống dòng thác lũ cuồn cuộn chụp được sợi dây cứu rỗi nhưng con chó bị lũ cuốn, còn bà được cứu sống trong gang tấc.
“Nếu tôi cố cứu nó, tôi sẽ chết theo. Con vật đáng thương nhìn thẳng vào mắt tôi một cách trân trối trước khi bị lũ cuốn đi mất” - bà Souza kể lại trong nước mắt.
Lũ bùn cuốn trôi đường sá, nhà cửa ở thị trấn Nova Friburgo. Ảnh: AFP
Teresopolis tang thương
Hơn 800 nhân viên cứu hộ đã được huy động từ rạng sáng 12-1 khi lũ ống và lũ bùn bắt đầu để tìm và cứu người bị vùi trong lũ bùn và nhà cửa bị sập. Phóng viên Rafael Spuldar của đài BBC ở Brazil miêu tả cảnh tượng ở vùng ven Campo Grande và Posse của thành phố Teresopolis là “rất khủng khiếp”.
Bùn ở hai nơi này có chỗ dày đến 3 m chôn vùi từ xe du lịch đến xe tải. Con sông chảy qua thành phố bình thường vốn hiền hòa bây giờ gây lũ lụt khắp nơi. Một cư dân ở Teresopolis kể: “Một bà mẹ cố gắng cứu con nhưng có một bé mới hai tháng tuổi bị dòng nước lũ cuốn trôi như một con búp bê”.
Tại nghĩa trang thành phố, người ta đã đào hơn 200 huyệt mới nhưng xem ra chẳng thấm vào đâu. Người ta đi chôn người thân từ sáng đến tối dưới cơn mưa tầm tã dai dẳng.
Một người chị lặng lẽ đặt thi thể em trai xuống nơi an nghỉ cuối cùng. Một người đàn ông mang đến một quan tài nhỏ màu trắng bên trong có xác đứa cháu gái mới một tuổi. Một người mẹ không ngớt gào tên đứa con trai 9 tuổi một cách thảm thiết trong khi hạ chiếc quách xuống huyệt.
Jorge Mario, Thị trưởng Teresopolis, cho biết có ba, bốn huyện vùng ven bị phá hủy hoàn toàn. Nhà cửa, đường sá, cầu cống đều bị xóa sạch.
Chính sách bất cập
Hiện tượng lũ ống, lũ bùn không hề bất ngờ mà đã được báo trước trong các bản tin khí tượng nhưng nó đến quá nhanh, quá dữ dội khiến dân chúng trở tay không kịp.
Thảm họa cũng được báo trước từ lâu nhưng chính sách bất cập đã khiến thảm họa càng ngày càng lớn. Một trong những nguyên nhân là ngân sách chi cho phòng chống thiên tai đã bị cắt giảm 18%.
Gil Castello Branco, Tổng Thư ký của Contas Abertas, một tổ chức phi lợi nhuận giám sát chi tiêu của Chính phủ Brazil, nhận định rằng bà Tổng thống Dilma Rousseff mới nhậm chức hồi đầu tháng này không đáng trách. Nhưng có quá nhiều quan chức nhà nước không thừa nhận trách nhiệm của mình.
Những biện pháp chống lũ như xây kè, chống xói mòn đất và cấm người nghèo xây dựng nhà tạm bợ ở những vùng nguy hiểm đã không được
thực thi.
Ông Branco quy trách nhiệm cho các chính khách những địa phương có nguy cơ bị lũ ống, lũ bùn lớn nhất. Họ không cung cấp tài liệu nghiên cứu về địa chất cho chính phủ trung ương để nơi này phân bổ ngân sách phòng chống thiên tai một cách đúng đắn. Họ đổ thừa không tìm được các nhà địa chất, kỹ sư và giám sát giỏi để lập bản đồ và đề xuất ngân sách thích đáng.
Chính phủ trung ương cũng có lỗi khi đề án xây dựng một trung tâm quản lý thảm họa bị “treo” suốt hai năm qua. Tệ hại nhất là ngân sách phòng chống thiên tai đôi khi bị dùng vào mục đích chính trị. Ví dụ, hơn nửa năm qua, ngân sách này đã được dùng vào cuộc vận động tranh cử chức thống đốc bang Bahia của vị bộ trưởng phụ trách chi ngân sách phòng chống thiên tai.
Kỳ tới: “Đại hồng thủy” ở Úc
Bình luận (0)