xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

“Đại hồng thủy” ở Úc

THẢO HƯƠNG

“Sóng thần trên cạn”, “vùng chiến tranh”, “đại hồng thủy” là những cụm từ đã được dùng để mô tả trận lũ lụt nghiêm trọng nhất trong lịch sử nước Úc

Người dùng cụm từ “đại hồng thủy” là bộ trưởng tài chính bang Queensland Andrew Fraser. Trước giờ, “đại hồng thủy” chỉ thấy xuất hiện trong kinh thánh. Không ai biết nó khủng khiếp đến mức nào nhưng đối với người dân bang Queensland, nhất là ở Brisbane – thủ phủ của bang, thành phố lớn thứ ba của nước Úc – trận lũ vừa qua là một thảm họa lớn chưa từng thấy.

 
Hơn 70 đô thị lớn, nhỏ trong bang đã bị nhấn chìm trong nước lũ sau 3 tuần mưa lớn liên tiếp, ảnh hưởng tới 200.000 dân. Bà Anna Bligh, Thống đốc bang Queensland, đã ban bố tình trạng thảm họa trên một vùng đất có diện tích lớn hơn hai tiểu bang Texas và California của Mỹ cộng lại.
 
Theo số liệu thống kê của bang, có ít nhất 26 người chết – trong đó có người được tìm thấy xác cách xa chỗ ở 80 km - và 55 người mất tích. Nhưng theo tờ báo địa phương Queensland Times, con số đó chưa tính 40 người có thể đã chết sau khi một bức tường nước đổ ập xuống thị trấn Grantham ở thung lũng Lockyer như “sóng thần trên cạn”. Số mất tích lên đến 61 người.
 
Số thương vong nói trên không bằng trận bão Tracy tàn phá thị trấn Darwin ở Tây Bắc Úc làm chết 71 người hồi năm 1974 và rất khiêm tốn so với thảm họa lũ ống, lũ bùn vừa xảy ra ở Brazil làm hơn 500 người chết. Tuy nhiên, thiệt hại vật chất của trận lũ kinh hoàng này là rất lớn.
 
Ảnh hưởng tới Trung Quốc
 
Theo tính toán của các công ty bảo hiểm và tái bảo hiểm thế giới, trận lũ ở Úc bắt đầu từ tháng 12 năm ngoái kéo dài đến nay được coi là thảm họa tồi tệ nhất trong lịch sử nước Úc gây thiệt hại không dưới 13 tỉ USD, tương đương 1% GDP của Úc.
 
Nông nghiệp và khai thác than là hai ngành bị thiệt hại nặng nhất. Các công ty than Úc tuyên bố họ không thể hoàn thành các hợp đồng xuất khẩu than. Điều này ảnh hưởng tới những nước nhập khẩu xa xôi như Trung Quốc, nơi giá than dùng để sản xuất thép đang tăng vùn vụt. Chính quyền Trung Quốc sẽ gặp rất nhiều khó khăn để kiểm soát lạm phát.

img

Trung tâm Brisbane chìm trong biển nước. Hơn 2.500 cơ sở kinh doanh bị ngập nước. Ảnh: GETTY IMAGES

Than là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Úc. Giá than dùng để sản xuất thép trong các hợp đồng quý I/2010 là 225 USD/tấn. Do lũ lụt ở Úc, giá này dự đoán sẽ tăng lên 300 USD/tấn vào cuối năm nay. Các nhà phân tích thị trường châu Á-Thái Bình Dương dự báo Úc sẽ mất 11 triệu tấn than trong quý I/2011.
 
Đối với các nhà nông, thông tin dự báo khí tượng thủy văn là rất bi quan. Mưa có thể kéo dài đến cuối tháng 3 do không khí lạnh ở miền Trung xích đạo Thái Bình Dương kết hợp với hiện tượng La Nina.
 
Ngày 14-1, những trận mưa to dọc miền Đông duyên hải Úc đã buộc hàng ngàn người phải tháo chạy khỏi bang Victoria và đảo Tasmania. Nhiều thị trấn đã bị bỏ hoang sau khi nước lũ từ 5 con sông ở bang Victoria dâng lên. Tại ba thị trấn trên đảo Tasmania, lượng mưa trong một ngày bằng lượng mưa cả mùa hè năm ngoái.
 
Nhiều chuyện cảm động
 
Tại thị trấn Toowoomba, miền Tây Brisbane, ngày 13-1, Jordan Rice trở thành “tiểu anh hùng” của nước Úc khi em hy sinh để cứu em trai.

John Tyson, cha dượng của Jordan, kể lại trên tờ Toowoomba Chronicle: Bà Donna Rice, mẹ của Jordan (13 tuổi) và Blake Rice (10 tuổi), đang lái xe chở hai con trong dòng nước lũ thì xe chết máy. Cả ba mẹ con leo lên nóc xe kêu cứu trong khi mực nước dâng cao rất nhanh, dòng nước chảy rất xiết.

 
Khi Warren McErlean, một người đi đường, quấn dây thừng vào bụng lao đến gần để cứu họ thì Jordan khẩn nài anh hãy cứu Blake và bà Donna trước. Nhưng McErlean chỉ cứu được Blake còn Jordan và mẹ em bị nước lũ cuốn đi mất. Chính McErlean đã kể lại câu chuyện này trong nước mắt.
 
John Tyson cho biết thêm Jordan không biết lội và rất sợ nước. Vậy mà em hy sinh để cứu em mình. “Cháu nó là tiểu anh hùng của chúng tôi” – ông Tyson vừa nói vừa khóc.
 
Sau khi câu chuyện cảm động nói trên được đăng trên các phương tiện truyền thông thế giới, hàng ngàn bức điện chia buồn gọi Jordan là “tiểu anh hùng đích thực” hoặc gọi em là “thiên sứ hạ trần”.
 
 
 
img
“Tiểu anh hùng” Jordan Rice Ảnh: NEWSPIX
 
 
Bà Thống đốc Anna Bligh cũng được người dân Queensland coi như một nữ anh hùng. Trong cơn hoạn nạn, bà tỏ ra hết sức bình tĩnh: “Cơn lũ này có thể làm tan nát trái tim chúng ta nhưng nó không thể làm chúng ta nhụt chí”.
 
Báo chí Úc mô tả bà là một “nhà lãnh đạo chân chính” khi bà đôn đốc công tác cứu hộ không biết mệt mỏi. Cứ 2 giờ, bà tổ chức họp báo một lần để “cả bang nắm được thông tin rõ ràng và đầy đủ”.
 
Cá mập trên đường phố Brisbane
 
Nhật báo Úc The Sydney Morning Herald dẫn lời ủy viên Hội đồng thành phố Brisbane Paul Tully cho biết một người dân ở Goodna thấy cá mập lượn lờ quanh một trung tâm mua sắm hôm thứ năm. Trevor Long, một chuyên gia về động vật biển, nói khả năng này dễ xảy ra vì đầu mùa hè cá mập thường lội ngược sông Brisbane để sinh con.
 
Trong nước lũ tràn bờ nhấn chìm 3/4 bang Queensland không chỉ có cá mập, mà cả cá sấu và nhiều nhất là rắn độc đã xuất hiện ở nhiều nơi đe dọa tính mạng con người. Để lực lượng cứu hộ New Zealand, vốn rất sợ rắn độc, an tâm làm việc ở Brisbane, chính quyền đã thuê thợ bắt rắn đi cùng với họ.
 
Kỳ tới: Tranh cãi về biến đổi khí hậu
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo